Sự cố y khoa: Nhìn vào sự thật để ứng xử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” là chủ đề hội thảo do báo Tiền Phong và Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức ngày 26/5 tại TPHCM.

Nhiều sự cố y khoa vì làm bừa

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, sự cố y khoa (SCYK) có thể xảy đến bất ngờ, không chỉ riêng trong phòng điều trị. Như đang nằm trên xe cấp cứu văng ra khỏi cửa té xuống đường; hay xuất viện mừng quá, không chú ý té đập đầu xuống nền nhà gây chấn thương sọ não; hoặc sự cố hy hữu như gọi nhầm tên, không đầy đủ năm sinh, giới tính gây mổ nhầm... BS Cường cho biết, chính ông từng phát hiện một cây kim nằm trong cơ thể bệnh nhân suốt 10 năm, chỉ từ sau một thủ thuật tai mũi họng đơn giản. May mắn là bệnh nhân được can thiệp thành công, không gặp ảnh hưởng nặng về sức khỏe, tính mạng.

Sự cố y khoa: Nhìn vào sự thật để ứng xử ảnh 1

Bác sĩ Bệnh viện JW xử lý một ca bệnh liên quan đến sự cố y khoa

Tuy nhiên, nhiều SCYK xảy ra do Bệnh viện cơ sở y tế làm bừa, làm ẩu. BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Thẩm mỹ JW, là người thường “chỉnh sửa” cho những bệnh nhân đã gặp SCYK. Ông cho biết, 3 năm gần đây, BV Thẩm mỹ JW tiếp nhận 511 bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng sau khi thẩm mỹ. Trong đó, phần lớn biến chứng xảy ra ở những người đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”. “Nhiều trường hợp không phải y bác sĩ và không có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… Đặc biệt, việc tiêm filler vô tội vạ gây biến chứng nặng nề như hoại tử, thương tật cơ thể hoặc thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp trải qua hàng chục lần xử lý tai biến...” - BS Dung nói.

Sự cố y khoa: Nhìn vào sự thật để ứng xử ảnh 2

Các chuyên gia tham gia hội thảo Ảnh: Phạm Nguyễn

Số liệu của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho thấy, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) dù không được phép. Mỗi năm, Việt Nam có 250.000 người PTTM, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm 14%. “Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ “chui”, pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này. Người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm lên hàng đầu, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân...” - BS Dung khuyến nghị.

Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, TS Nguyễn Thành Đức, Trưởng khoa Y Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, khuyến nghị các sinh viên ngành Y cần phải đối diện, làm quen và làm chủ với SCYK ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. TS Đức mong muốn Bộ Y tế đưa nội dung An toàn người bệnh trở thành một môn học chính thức trong chương trình đào tạo của các trường đại học khối ngành sức khỏe. Bởi đây là vấn đề giúp đảm bảo sức khỏe trực tiếp cho người bệnh và góp phần kiểm soát, xử lý tốt ngay khi SCYK xảy ra.

TS.BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM cho rằng hiện nay, pháp lý trong hoạt động khám chữa bệnh đã được Bộ Y tế hoàn thiện, giúp bác sĩ cảm thấy an tâm khi hành nghề, nhưng, Luật Khám chữa bệnh không thể bao hàm hết mà còn chịu sự quản lý của Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính… Việc khám chữa bệnh là cung ứng dịch vụ, giống như hợp đồng dân sự bình thường. Hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng nhưng do số lượng bệnh nhân đông nên khi bệnh nhân vào cơ sở y tế khám chữa bệnh thì mặc định đã thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quy định tại Luật Khám chữa bệnh như một hợp đồng mẫu - TS Trạng chia sẻ.

Ðừng quy chụp, đổ lỗi

SCYK là điều không ai mong muốn, nhưng nếu chẳng may xảy ra thì người trong cuộc cần nhìn thẳng vào vấn đề để xử lý, chứ đừng quy chụp, đổ lỗi. Theo BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, SCYK tại Việt Nam vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Trong đó, có đến 70% nguyên nhân đến từ lỗi hệ thống và 30% từ lỗi cá nhân. “Chúng ta không nên định kiến, và nên cởi mở với những sai sót, SCYK không mong muốn và giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó”, BS Long nói. Tuy nhiên, theo ông, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít SCYK xảy ra.

BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho rằng, những lỗi thường gặp trong SCYK thường có sự ngộ nhận của người bệnh, có khuynh hướng đổ lỗi cho bác sĩ. “Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh. Thay vào đó, nên đề cao văn hóa tôn trọng, thông hiểu về các vấn đề sự cố và tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ từ phía gia đình người bệnh” - BS Hằng bày tỏ.

BS CK2 Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng, SCYK là vấn đề không thể tránh khỏi trong các bệnh viện; vấn đề là xử lý ứng xử sau SCYK ra sao. “Khi xảy ra SCYK, điều đầu tiên cần giải quyết ổn thỏa cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, sau đó lập hội đồng chuyên môn đi tìm nguyên nhân, chứ đừng vội quy chụp, đổ lỗi cho nhân viên y tế. Việc đổ lỗi cho nhân viên y tế càng khiến cho họ có tâm lý tìm mọi cách bưng bít sự cố. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho số lượng báo cáo SCYK tại Việt Nam ít hơn nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới” - BS Việt nói.

BS CK2 Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhìn nhận, ngay tại thời điểm xảy ra SCYK, bệnh viện cần tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực để giải quyết sự cố, ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai. Đồng thời tăng cường khâu tổ chức, giám sát của bệnh viện. “Mặt khác, người bệnh và xã hội cũng cần có cái nhìn bao dung và đúng đắn về vấn đề này” - BS Tùng bày tỏ.

Nhìn vào sự thật, công khai xin lỗi bệnh nhân

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chia sẻ, ông từng nhiều lần thay mặt lãnh đạo Bộ đến gia đình bệnh nhân xin lỗi bởi những thiệt hại cho họ do SCYK gây ra. Ông nói rằng, khi xảy ra SCYK, các cơ sở y tế và nhân viên y tế cần bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân. Môi trường làm việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn… trong khi đó số lượng bệnh nhân lại đông. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM… phục vụ hơn 7.000 bệnh nhân/ngày thì các sai sót, SCYK rất dễ xảy ra.

“SCYK là điều không ai mong muốn, cần có sự chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau sự cố y khoa. Cần thay đổi tư duy, văn hóa “trừng phạt”, thay vào đó là cùng nhau nhìn nhận trước những gì có thể xảy ra để phân tích các yếu tố có thể giải quyết được. Đồng thời, pháp luật phải vừa bảo vệ được thầy thuốc, vừa không làm người bệnh cảm thấy bị bỏ rơi và chịu thiệt thòi” - ông Khuê nói.

* Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, nói rằng, SCYK dù là điều không mong muốn nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện để hạn chế tối đa việc này, nếu đã xảy ra thì giảm thiểu tác hại của sự cố. Thời gian qua, thỉnh thoảng lại rộ lên SCYK đây đó, thu hút sự chú ý lớn của xã hội. Đặc biệt từ khi có mạng xã hội, thông tin về SCYK bùng lên, có thể chính xác hoặc không, thổi phồng, thậm chí có thể bị dựng đứng… gây ra nhiều hệ luỵ. Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa” có nhiều mục tiêu, trong đó có nhận diện tình hình SCYK trong việc khám chữa bệnh, qua đó giúp hạn chế khả năng xảy ra SCYK và ứng xử thế nào khi có sự cố.

* Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn bày tỏ sự cảm ơn trân trọng đối với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ, Bệnh viện thẩm mỹ JW, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Công ty Amway VN và các đơn vị đã tài trợ, đồng hành tổ chức thành công hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa”.

MỚI - NÓNG