'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 26/5, tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng diễn ra Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?” do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Hồng Bàng tổ chức. 
Hội thảo 'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa'

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

26/05/2022 07:06

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 1

26/05/2022 09:00

Những điều không mong muốn

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 2
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc Hội thảo "Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?"

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, cho biết, sự cố y khoa dù là điều không mong muốn nhưng rất dễ xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan, vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện để hạn chế tối đa việc này, nếu đã xảy ra thì hạn chế tối đa tác hại của sự cố.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, thời gian qua, thỉnh thoảng lại rộ lên sự cố y khoa đây đó, thu hút sự chú ý lớn của xã hội. Đặc biệt từ khi có mạng xã hội thì thông tin về các sự cố này bùng lên, có thể chính xác hoặc không, thổi phồng, thậm chí có thể bị dựng đứng… gây ra nhiều hệ luỵ.

“Do đó, hội nghị Ứng xử ra sao với sự cố y khoa hôm nay có nhiều mục tiêu. Đó là nhận diện tình hình sự cố y khoa trong việc khám chữa bệnh. Qua thực tế có thể hạn chế khả năng xảy ra sự cố y khoa và ứng xử thế nào một khi có sự cố xảy ra” – nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia từ các tỉnh thành và 500 bạn sinh viên, làm lan tỏa trách nhiệm của những người chuẩn bị bước vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Sơn hy vọng hội nghị sẽ giúp ích cho ngành y tế, cho các thầy thuốc, các bạn sinh viên, góp thiết thực vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

26/05/2022 09:10

Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 3

Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết rất vinh dự được đồng hành cùng báo Tiền Phong tổ chức Hội nghị khoa học sức khỏe với chủ đề “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?”- một sự kiện được giới y học, truyền thông cũng như người dân quan tâm.

Là một trường đại học với 36 ngành, đa bậc học từ đại học đến sau đại học, gồm thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa I, đào tạo liên tục… và đa lĩnh vực, trong đó lấy khối ngành sức khỏe làm mũi nhọn với đầy đủ các chuyên ngành Y, Nha, Dược, Điều dưỡng, Xét nghiệm y học, Vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, bên cạnh các khối Quản trị - Kinh tế - Luật; Khoa học xã hội nhân văn, Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Kỹ thuật công nghệ và Viện giáo dục-đào tạo giáo viên. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và xem những hội nghị khoa học như thế này là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, cho cả giảng viên, sinh viên, học viên. Những hội nghị khoa học này không chỉ đem lại giá trị cho đội ngũ thầy thuốc, mà còn là nơi học tập vô cùng thiết thực cho lớp lớp sinh viên khối sức khỏe, là đội ngũ bác sĩ tương lai.

“Hiện tại trong hội trường chúng ta hôm nay, cũng đang có sự hiện diện của nhóm sinh viên quốc tế đầu tiên chọn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng để học ngành y khoa. Các bạn cũng vô cùng háo hức được tham dự sự kiện y khoa đầy bổ ích này và xem đây là những cơ hội quý giá mà các bạn may mắn có được, như các bạn vừa chia sẻ với tôi trong ít phút trước khi sự kiện diễn ra” - bà Quyên nói và mong muốn được tiếp tục phối hợp với nhiều đối tác để duy trì những hội nghị khoa học quý giá như thế này.

26/05/2022 09:11

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 4
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia từ các tỉnh thành và 500 bạn sinh viên, làm lan tỏa trách nhiệm của những người chuẩn bị bước vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

26/05/2022 09:20

Sự cố y khoa là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 5

BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM

Trao đổi tại hội thảo, BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM dẫn một khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó sự cố y khoa (SCYK) là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, SCYK gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, cơ sở y tế. SCYK được phân thành 3 nhóm: theo mức độ tổn thương, theo nhóm nguyên nhân và theo nhóm sự cố.

Sai sót trong SCYK đến từ lỗi do cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống (quản trị, giám sát) chiếm đến 70%. Trước những tác hại to lớn của SCYK, BS Long cho rằng, cần có quy trình giám sát, kiểm tra, nhắc nhở tối ưu. “Càng có nhiều hàng rào giám sát thì càng ít sự cố y khoa xảy ra” - BS Long nhấn mạnh.

BS Long cũng cho rằng không nên định kiến và cởi mở với những sai sót, SCYK không mong muốn và giúp các đồng nghiệp ngành y không lặp lại sai sót đó.

Chia sẻ một số giải pháp trong giảm thiểu SCYK, theo BS Long, cần đơn giản hóa và chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật chuyên môn; tập huấn, đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cần kiểm soát thường xuyên, kịp thời, đột xuất, đồng thời trang bị, cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, cần lưu ý phát huy tinh thần tự nguyện với văn hóa báo cáo sự cố y khoa nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, phòng tránh các lỗi sai, giúp cải tiến quy trình, nâng cao khả năng chăm sóc người bệnh.

26/05/2022 09:22

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 6
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia từ các tỉnh thành và 500 bạn sinh viên

26/05/2022 09:50

Sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 7

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ cho hay, các SCYK có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình tương tác giữa nhân viên y tế với người bệnh. Các biểu hiện của SCYK xuất hiện từ khi có nhu cầu khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế nói chung.

Trong đó, nguyên nhân dẫn đến các SCYK gồm: chẩn đoán chậm trễ; thiếu trang thiết bị, nhân lực phù hợp; thất bại trong thời gian theo dõi; tác hại do dùng quá nhiều loại thuốc; nhiễm trùng bệnh viện; phẫu thuật sai vị trí; thiếu trang thiết bị; huyết khối tĩnh mạch loét tì đè; sự cố do môi trường tương tác.... Thậm chí một sự cố mất điện đột ngột cũng có thể dẫn đến SCYK.

Theo một nghiên cứu được thực hiện phỏng vấn từ 259 bệnh nhân thì có đến 88% người bệnh muốn biết tất cả mọi thứ liên quan đến các sự cố; có 12% muốn biết những tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ nếu có SCYK.

Trong khi đó, có đến 92% nhân viên y tế cho rằng đã từng chứng kiến, gặp phải, thậm chí gây ra SCYK. “Khi gây ra các SCYK, một số trường hợp nhân viên y tế không còn muốn hành nghề, có thể bỏ nghề. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ được cả đôi bên, bảo vệ được nguồn lực y tế và bệnh nhân khi xảy ra sự cố” – BS Cường cho biết.

Để hạn chế các SCYK, BS Cường cho rằng, các Bệnh viện cần thiết lập quy trình chuyên môn, vận hành, đầu tư đầy đủ trang thiết bị, điều kiện làm việc... Nhân viên y tế cần có trình độ chuyên môn tốt, thái độ trung thực, thái độ cầu tiến và nhận biết trước được các SCYK có thể xảy ra. Đối với người bệnh, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

Bên cạnh đó, BS Cường cho biết thêm, khi xảy ra SCYK, bệnh nhân cần thông cảm, chia sẻ với khó khăn không thể tiên lượng trước được trong y tế vì sự khác biệt giữa mỗi con người; giữ bình tĩnh và tôn trọng nhân viên y tế. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để phối hợp cùng nhân viên y tế phòng ngừa, khắc phục các SCYK.

26/05/2022 10:03

3 năm có 511 ca phải điều trị do biến chứng thẩm mỹ, phần lớn từ cơ sở thẩm mỹ 'chui'

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 8

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW

Chia sẻ những SCYK trong lĩnh vực thẩm mỹ, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW nêu con số đáng báo động, đó là trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Thẩm mỹ JW đã tiếp nhận khoảng 511 ca bệnh nhân đến điều trị vì biến chứng trong thẩm mỹ. Trong đó phần lớn biến chứng từ tình trạng người dân đi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Theo BS Dung, nhiều trường hợp không phải y bác sĩ, hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở spa, cơ sở làm đẹp để tiêm filler (chất làm đầy), tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến, những SCYK đáng tiếc cho bệnh nhân.

Dẫn chứng bằng những hình ảnh về những biến chứng về mắt, mũi… và hoại tử mặt do tiêm filler má, tự tiêm filler tại nhà gây hoại tử mông của bệnh nhân, BS Dung cho biết: “Thậm chí có trường hợp hoại tử bụng làm thủng 15 lỗ do tiêm chất tan mỡ không rõ nguồn gốc. Bản thân tôi trực tiếp mổ và cảm thấy rất đau xót. Những tai biến điều trị rất tốn thời gian”.

Tuy SCYK gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân, tuy nhiên theo BS Dung, chế tài pháp luật hiện nay là quá nhẹ với các trường hợp thẩm mỹ “chui”, tự ý dùng dao kéo can thiệp vào cơ thể của con người khi không có chuyên môn. “Để xử lý triệt để vấn đề thẩm mỹ chui, pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp này. Bên cạnh đó, những người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm, đạo đức vào công việc, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại đến bệnh nhân. Cơ quan truyền thông cần tuyên truyền định hướng người dân thẩm mỹ an toàn” - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW khuyến nghị.

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 9

26/05/2022 10:16

Mong khoa học ngày càng phát triển để hạn chế được sự cố y khoa

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 10

TS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM

Chia sẻ ý kiến về “Tai biến trong y khoa và khía cạnh pháp lý”, TS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM dẫn chứng, một sản phụ đi khám thai đầy đủ nhưng sau khi sinh, em bé bị dị tật làm cho gia đình bị sốc. Sau đó, gia đình khiếu kiện, tố cáo bệnh viện thiếu trách nhiệm không phát hiện ra. Như vậy, pháp lý nào bảo vệ cho các bác sĩ hành nghề?

Theo TS Trạng, nghề y là chẩn đoán bệnh. “Cũng giống như việc dự báo thời tiết, nói hôm nay nắng thì trời lại mưa nhưng người ta dễ thông cảm hơn. Trong khi ngành y, người ta không chấp nhận vì liên quan đến sinh mạng. Ngành y tế chịu nhiều áp lực lắm, từ xã hội, bảo hiểm y tế, bệnh nhân… Khi xảy ra vấn đề gì trong ngành y thì thường mọi người cố tình tìm lỗi chứ không tìm nguyên nhân, tìm cách khắc phục” – ông Trạng nói.

Theo thống kê, năm 2013 ở Mỹ có hơn 2,5 triệu người tử vong. Nguyên nhân hàng đầu là do tim mạch rồi đến ung thư. SCYK đứng ở vị trí thứ 3, cao hơn tai nạn giao thông, cháy nổ…

Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể nhưng thỉnh thoảng cũng có sự cố xảy ra. Nguyên nhân là do con người gây ra, thứ hai là quy trình. Những người thầy làm lâu trong ngành y thường nói, có những vấn đề y khoa nằm ngoài sự hiểu biết của bác sĩ, chỉ mong khoa học ngày càng phát triển để hạn chế được SCYK.

Hiện nay, pháp lý trong hoạt động khám chữa bệnh đã được Bộ Y tế hoàn thiện, giúp bác sĩ cảm thấy an tâm khi hành nghề. Thế nhưng, giới hành nghề pháp luật và giới chuyên môn về ngành y còn có sự khác biệt. Luật Khám chữa bệnh không thể bao hàm hết mà còn chịu sự quản lý của Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính… Việc khám chữa bệnh là cung ứng dịch vụ, giống như hợp đồng dân sự bình thường. Hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng nhưng do số lượng bệnh nhân đông nên mặc nhiên, khi bệnh nhân vào cơ sở y tế khám chữa bệnh thì mặc định đã thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quy định tại Luật Khám chữa bệnh như một hợp đồng mẫu - TS Bùi Minh Trạng chia sẻ.

26/05/2022 10:55

'Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh'

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 11

BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ tại hội thảo, SCYK luôn là một chủ đề nóng bỏng, thời sự. Từ năm 2013, Bộ Y tế đã đưa ra thang điểm 83 tiêu chí để đề cập, phân tích đến các SCYK.

Dưới góc độ quản lý một bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa, BS Hằng nhìn nhận, đối với trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ, nếu không có sàng lọc và đánh giá đúng mực, có khả năng xảy ra những vấn đề gây sốc cho gia đình sản phụ. Theo BS Hằng, những lỗi thường gặp trong SCYK thường có sự ngộ nhận của người bệnh, có khuynh hướng đổ lỗi cho bác sĩ. Dẫu vậy, chúng ta cũng không nên bác bỏ những lỗi xuất phát từ các yếu tố thuộc về chuyên khoa, chuyên ngành.

“Khi sự cố xảy ra, nếu chúng ta xử lý không khéo hoặc bưng bít thông tin sẽ khiến người bệnh và gia đình càng tức giận và phản ứng mạnh, đặc biệt là loại bỏ văn hóa buộc tội. Bên cạnh đó, phải đề cao văn hóa tôn trọng, thông hiểu về các vấn đề sự cố và tìm kiếm sự đồng thuận, chia sẻ từ phía gia đình người bệnh” - BS Hằng bày tỏ.

26/05/2022 10:57

'Ngay tại thời điểm xảy ra SCYK, cần tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực để giải quyết SCYK, ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai'

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 12

BS CK2 Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

BS CK2 Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, phải ghi nhận đầy đủ về các SCYK. Từ đó, chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, tạo dựng văn hóa an toàn người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Mặt khác cũng cần có công cụ ghi nhận SCYK nhanh nhất, bên cạnh việc người lãnh đạo có cơ chế thưởng phạt phân minh trong SCYK.

“Ngay tại thời điểm xảy ra SCYK, cần tập trung tất cả nguồn lực, nhân lực để giải quyết SCYK, ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai. Đồng thời tăng cường khâu tổ chức, giám sát của bệnh viện. Mặt khác, người bệnh và xã hội cũng cần có cái nhìn bao dung và đúng đắn về vấn đề này” – BS Tùng bày tỏ.

26/05/2022 11:11

Sự cố y khoa là vấn đề không thể tránh khỏi trong các bệnh viện

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 13

Ở phần chia sẻ thông tin, BS CKII Nguyễn Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, SCYK là vấn đề không thể tránh khỏi trong các bệnh viện. Vấn đề là chúng ta xử lý làm sao để nó không xảy ra nữa, ứng xử hậu SCYK ra sao?

Ông Việt đặt vấn đề, ở các nước tiên tiến, SCYK xảy ra rất nhiều nhưng tại sao ở Việt Nam lại rất thấp? Nguyên nhân, khi xảy ra SCYK xảy ra thì y bác sĩ không dám báo cáo vì sợ bị kỷ luật. “Hiện nay, BV Chợ Rẫy quy định, khi có SCYK thì bác sĩ đứng mổ phải báo cáo sự cố. Còn người quản lý chất lượng của bệnh viện báo cáo chi tiết, để thời gian cho bác sĩ làm việc. Khi có SCYK thì y bác sĩ phải đối mặt với người nhà bệnh nhân, thanh tra, đồng nghiệp, báo chí… Chúng ta chưa lập hội đồng đánh giá, chưa kết luận gì thì SCYK đã lên báo, “tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa” khiến y bác sĩ chịu nhiều áp lực” – BS Việt nêu thực tế.

26/05/2022 11:18

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 14
Bạn Võ Vương Bảo Ngọc, sinh viên Khoa Y, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, chia sẻ: “Buổi hội thảo này đã giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích từ những chuyên gia trong lĩnh vực y tế, em xem đây là cơ hội quý báu giúp em có thêm những kinh nghiệm và hành trang vững vàng trên con đường sự nghiệp phía trước”.

26/05/2022 11:23

Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới y học và truyền thông

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 15
'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 16
'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 17

26/05/2022 11:27

Sinh viên ngành Y cần phải đối diện, làm quen và làm chủ với SCYK ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Dưới góc độ người làm công tác đào tạo, TS Nguyễn Thành Đức, Trưởng khoa Y Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng bộc bạch: “Các sinh viên ngành Y cần phải đối diện, làm quen và làm chủ với SCYK ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

TS Đức cũng mong muốn, Bộ Y tế cần đưa nội dung An toàn người bệnh trở thành một môn học chính thức trong chương trình đào tạo của các trường đại học khối ngành sức khỏe. Bởi đây là vấn đề giúp đảm bảo sức khỏe trực tiếp cho người bệnh và góp phần kiểm soát và xử lý tốt ngay khi SCYK xảy ra.

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 18
TS Nguyễn Thành Đức, Trưởng khoa Y Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng

26/05/2022 11:36

'Nếu xảy ra SCYK thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân'

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 19
Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, SCYK là câu chuyện phong phú, cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa.

Theo ông Khuê, khi xảy ra SCYK, bệnh viện tư thì dễ sập tiệm, bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh SCYK. “Nếu xảy ra SCYK thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân” – ông Khuê nói .

Khi xảy ra SCYK thì phòng Công tác xã hội của các bệnh viện là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Sự cố này là điều không ai mong muốn, nên cần phải chia sẻ với thầy thuốc, bệnh viện để họ cảm thấy an tâm khi hành nghề chứ không phải bỏ nghề sau SCYK.

“SCYK không chỉ ở Việt Nam mà tất cả nước tiên tiến đều xảy ra. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học như thế này để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình” - PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.

26/05/2022 11:51

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 20
Sau 3 giờ diễn ra Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa”, với những chia sẻ chuyên môn cũng như câu chuyện thực tế từ các chuyên gia y tế, chương trình khép lại với phần trao học bổng Hippocrates trị giá 250 triệu đồng/phần dành cho 3 học sinh THPT có thành tích học tập xuất sắc, có truyền thống gia đình công tác và đóng góp trong ngành Y tế.

Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của lãnh đạo Bộ Y tế, các báo cáo tham luận, thảo luận từ nhiều bệnh viện mang đến thông tin đa chiều, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cố y khoa.

Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Sự cố này có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh.

'Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?' ảnh 21

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều sự cố y khoa. Hậu quả của các sự cố không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà trong một số vụ việc nghiêm trọng còn cướp đi sinh mạng của bệnh nhân. Sự cố y khoa đang gây áp lực rất lớn lên các y bác sĩ, làm sụt giảm sự hài lòng của người bệnh, giảm uy tín của ngành y, tác động tiêu cực tới nỗ lực nâng cao chất lượng trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh của các cơ sở y tế và gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để có những thông tin khách quan, giúp cộng đồng hiểu hơn về các sự cố y khoa, đồng thời tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho cả người bệnh và y bác sĩ, Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?”.

Chương trình diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (215 Điện Biên Phủ, Phường 15, Bình Thạnh, TPHCM). Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS.BS - Thầy thuốc Nhân dân Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế); nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong – Trưởng ban tổ chức cùng lãnh đạo nhiều bệnh viện tại khu vực phía Nam.

Hội thảo có báo cáo tham luận “Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” do BS-CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, phó phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TPHCM trình bày; tham luận: “Góc nhìn của người trong cuộc những ứng xử thường gặp và đề xuất" do TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ trình bày; tham luận "Tai biến trong y khoa và khía cạnh pháp lý" do TS.BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM trình bày; tham luận: “Thực trạng ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam” do TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW trình bày.

Bên cạnh đó là nội dung thảo luận của các bác sĩ đến từ các diễn giả đã báo cáo thảo luận cùng đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM như Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện…

Chương trình có sự tham dự trực tiếp của 500 sinh viên y khoa đang theo học tại các trường Đại học trên địa bàn TPHCM. Buổi hội thảo được Livestream trực tiếp trên báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn), trang thông tin Alobacsi, hiu.vn và các nền tảng mạng xã hội khác.

MỚI - NÓNG