Streamer - tiền chảy chỗ trũng

Than thở không biết còn phải Stream đến bao giờ, Độ Mixi định chuyển sang làm ca sĩ?
Than thở không biết còn phải Stream đến bao giờ, Độ Mixi định chuyển sang làm ca sĩ?
TP - Xuất phát điểm của các streamer thu nhập cao chắc chắn không phải con nhà nghèo. Người nghèo còn phải nai lưng kiếm tiền đâu có thời gian chơi game xong con cà con kê. Mà quay cái cảnh nghèo của mình lên, e cũng chẳng ai ngó ngàng. “Tiền chảy chỗ trũng” là có thật.

Dân tình cứ xôn xao về điểm đỗ đại học năm nay. Kể cũng choáng khi điểm chuẩn vào ngành Hàn Quốc học (ĐH KHXH&NV Hà Nội) tròn trĩnh 30 cho 20 suất. Vì 30 suất còn lại trường đã tuyển kiểu khác, chẳng hạn xét học bạ. Các cô cậu học trò đổ xô vào ngành này không ít thì nhiều chắc cũng bị nhạc Hàn, phim Hàn, sao Hàn mê hoặc. Kết quả bao nhiêu chất xám lại rơi vào tay các nhà tuyển dụng Hàn Quốc thôi. Đúng là đã thắng về văn hóa thì sẽ thắng nhiều cái khác.

Nhưng còn có một ngành mà nếu có thể đào tạo được thì sẽ vô địch về độ “hot”. Vì những người làm ngành này mới U30 đã thu nhập hằng năm thậm chí hàng tháng lên tới cả chín số 0. Đó là streamer - tạm hiểu là nghề ngồi nói chuyện trực tiếp trên YouTube. Tất nhiên phải còn trẻ, ngoại hình sáng sủa, nói năng lưu loát, hài hước càng tốt. Người giàu nhất hiện nay, Độ Mixi có khả năng đệm từ tục bất cứ ngữ cảnh nào. Ở tuổi 31 với kênh YouTube hơn 4 triệu người đăng ký, tính ra thu nhập hằng tháng của Độ rơi vào 12,5 đến gần 200 ngàn USD.

Mẫu số chung của những người làm nghề này là chơi game phải giỏi. Nhưng khi giao lưu cũng chẳng cần nói đến game. Đâm ra họ phải có một thứ duyên để cứ ngồi tán ba lăng nhăng đủ thứ chuyện mà vẫn có người nghe. Không chỉ nghe suông mà còn cho tiền tại chỗ luôn. Thực ra dùng từ người hâm mộ với các streamer cũng không chính xác. Chúng ta cũng hay thường bỏ thời gian nghe những đứa bạn thân “buôn” những chuyện hôm nay gặp ai ăn gì ở đâu… Nên bí quyết thành công của các streamer nằm ở chỗ biến “tứ hải giang hồ” đều thành bạn.

Xuất phát điểm của các streamer thu nhập cao chắc chắn không phải con nhà nghèo. Người nghèo còn phải nai lưng kiếm tiền đâu có thời gian chơi game xong con cà con kê. Mà quay cái cảnh nghèo của mình lên, e cũng chẳng ai ngó ngàng. “Tiền chảy chỗ trũng” là có thật. Dù streamer hàng top đã cầm chắc “lương” YouTube mỗi tháng vài trăm triệu, các fan vẫn cảm thấy có nhu cầu phải “nuôi” thần tượng. Nên một buổi làm việc (livestream), streamer thu vài chục triệu tiền “boa” là thường. Kết quả là các streamer đỉnh nếu không sắm căn hộ cao cấp thì cũng biệt thự, không buôn bất động sản thì cũng chuỗi nhà hàng. Có mở quán cà phê thì cũng chỉ là phục vụ đam mê.

Chính lượng fan khủng tiếp tục cũng là một nguồn thu nhập đáng kể khiến streamer còn được thuê làm người mẫu quảng cáo, đóng phim… Nếu có giọng hát như Độ Mixi thì ra MV. Bài Stream đến bao giờ sau 3 tuần phát hành đạt 21 triệu lượt xem - về độ nóng chỉ kém Sơn Tùng -MTP. Lời bài hát cố nặn ra để kể khổ: “Ôi cái nghề làm dâu trăm họ/ Sức khỏe thì ngày càng đáng lo/ Không biết cố được mấy năm nữa/ Ta cứ làm mà chẳng cần đắn đo/ Cuối tháng vợ đưa hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt chung/ Hôm sau lại tiền bỉm sữa, tiền lãi ngân hàng, tiền đồ gia dụng/ Lúc mọi người ngủ thì ta thức/ Đến 3h dạ dày đau nhức/ Cũng còn may khi mà có anh em bên cạnh an ủi”… Câu này thì có vẻ thật: “Hỏi là làm cái nghề này đến bao giờ thì làm sao mà có thể trả lời được/ Tại vì trước khi mình bắt đầu làm cái nghề này đến bây giờ mình mới biết nó sẽ thành công đâu”.

Nói chung đã ngồi mát kiếm được tiền tỉ thì đừng nên than van. Thích đổi nghề thì tiền đó học/làm gì chẳng được. Mấy người thừa tiền cho streamer mới đáng lo hơn. Để gây ấn tượng với các nữ streamer, một người đàn ông Hàn Quốc đã tặng họ mỗi lần từ 2 triệu đến 39 triệu. Kết quả sau 8 tháng đốt hết 1 tỷ tiền vay nợ. Sau đó anh ta thành kẻ cướp của giết người. Không có nghĩa là tại streamer mà anh ta thành kẻ cướp, mà điều đáng chú ý ở đây là tính chất bệnh lý liên quan tới tiền bạc. Có mối liên hệ tâm lý giữa việc tiêu tiền vào chỗ không đáng và sẵn sàng gây án để có tiền?!       

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.