Sốt ruột miễn visa khách quốc tế

Doanh nghiệp sốt ruột chờ gia hạn miễn thị thực đơn phương cho một loạt thị trường trọng điểm. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Doanh nghiệp sốt ruột chờ gia hạn miễn thị thực đơn phương cho một loạt thị trường trọng điểm. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Thời hạn miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm sắp tới gần mà Chính phủ chưa có quyết sách cuối cùng. Nhiều doanh nghiệp đón khách quốc tế đứng ngồi không yên chờ đợi.  

THẤP THỎM

Vào 31/12 này, một số thị trường được miễn thị thực đơn phương hết hạn: Nga, Nhật, Hàn, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển. Đáng nói, trong đó có nhiều thị trường trọng điểm. Riêng Nga, Nhật và Hàn Quốc đóng góp khoảng 30% lượng khách quốc tế. Ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch ước tính, nếu Chính phủ không tiếp tục miễn visa cho các thị trường này thì du lịch Việt nguy cơ mất ít nhất 1 triệu khách quốc tế.

Tổng Cục Du lịch trình đề xuất tiếp tục gia hạn miễn thị thực đơn phương cho các nước này từ lâu. Thời điểm hết hạn miễn thị thực cận kề nhưng chưa thấy quyết định của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Cty TNHH Du lịch Aza nêu tâm trạng sốt ruột chung của nhiều doanh nghiệp đón khách quốc tế: “Chúng tôi hy vọng sớm biết chính sách rõ ràng, bởi nhiều thị trường quốc tế thường đặt tour trước 6 tháng. Nếu chính sách không ổn định, mập mờ rất khó cho doanh nghiệp triển khai kế hoạch xúc tiến thị trường, chào bán sản phẩm”.

Sốt ruột miễn visa khách quốc tế ảnh 1 Doanh nghiệp sốt ruột chờ gia hạn miễn thị thực đơn phương cho một loạt thị trường trọng điểm. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Đây không phải lần đầu doanh nghiệp rơi vào tình trạng này. Cứ mỗi lần các thị trường được miễn visa sắp đáo hạn, doanh nghiệp lại như ngồi đống lửa đợi chờ lệnh tiếp tục gia hạn miễn thị thực. Ông Nguyễn Hải, Giám đốc Cty du lịch Tầm nhìn Viễn Á chuyên đón khách Pháp, châu Âu nêu: Chính sách miễn thị thực cho các thị trường xa, thị trường trọng điểm mà không thay đổi con số 15 ngày thì “thà không miễn còn hơn”. Miễn 15 ngày  khách có thể tăng nhưng lại giảm ngày lưu trú, hoặc nhiều khách không chọn Việt Nam làm điểm đến, thay vào đó chọn thị trường trong khu vực Đông Nam Á miễn 30-90 ngày.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh nêu quan điểm, các thị trường Tổng cục đề xuất tiếp tục gia hạn miễn thị thực đều là đối tác chiến lược,  trọng điểm. Vì thế, lãnh đạo Tổng cục cho rằng các doanh nghiệp không nên quá lo lắng, tin rằng Chính phủ sẽ có quyết sách sáng suốt.

GIẢI TỎA ÐIỂM NGHẼN

Câu hỏi nhức nhối mà ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Tại sao Việt Nam sở hữu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa giàu có nhưng lượng khách quốc tế vẫn thua xa nhiều nước trong khu vực?. Tại diễn đàn kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn du lịch thay mặt cho ngành nêu ba điểm nghẽn và diễn giải đầy đủ với Thủ tướng. Ngoài quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia được nhắc tới nhiều, hai điểm nghẽn còn lại là chính sách thị thực và tạo lập môi trường du lịch hay chính là điểm đến du lịch chưa tốt. Điểm nghẽn về visa thời gian qua có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn bất cập.

“Việt Nam bị coi là tương đối chặt chẽ về cấp thị thực. So với các nước khu vực đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Singapore, chúng ta mới miễn đơn phương khoảng hơn 20 thị trường, trong khi Indonesia tăng từ 30 lên hơn 160 thị trường miễn thị thực 4 năm qua. Trong bối cảnh cạnh tranh cao nhất là khu vực ASEAN, nước nào cũng muốn thu hút khách quốc tế và trước hết họ chọn đơn giản hóa thủ tục visa, miễn các thị trường có nguồn khách tốt”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Cty du lịch JTB-TNT nêu quan điểm cần xác định rõ các khái niệm về thị thực mới mong thay đổi chính sách thị thực nhập cảnh. “Thông thường những hạn chế về visa chỉ áp dụng cho công dân các nước nghèo vì thường dẫn đến nhập cư bất hợp pháp, nước có dịch bệnh hoặc tội phạm nhiều”, ông Tấn nói. Ông cho rằng thay đổi chính sách cấp thị thực không chỉ có lợi cho ngành du lịch mà còn tạo điều kiện tốt cho phát triển thương mại của Việt Nam với các nước.

Trong cuộc thảo luận tại quốc hội về chính sách xuất nhập cảnh, nhiều người lo ngại nới lỏng chính sách visa có nguy cơ cao về an ninh. Các chuyên gia du lịch  cho rằng miễn visa không có nghĩa chúng ta không có quyền ngăn chặn, từ chối đối tượng xấu, rằng với công nghệ hiện đại và nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngành an ninh hoàn toàn có thể lọc được các đối tượng xấu và từ chối cho nhập cảnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến

Ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch phân tích: du lịch Việt Nam hấp dẫn khách quốc tế do cảnh quan thiên nhiên, giàu tài nguyên văn hóa, sự thân thiện của người Việt song lại chưa đạt chuẩn cao về vệ sinh, tiêu chuẩn về môi trường, sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhiều địa phương lặp lại và thiếu sáng tạo. “Nhiều địa phương chưa thực sự hiểu khái niệm điểm đến du lịch. Đó phải là khu vực khách chọn lựa chứ không phải do ý chí của cơ quan quản lý địa phương. Ví dụ trước đây chúng ta quy hoạch điểm đến kết hợp Huế-Quảng Bình-Quảng Trị, thực tế khách lại chọn Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam mới thuận tiện đi lại, tạo ra sản phẩm du lịch”, ông Chính nói.

MỚI - NÓNG