Có thể “đeo ba lô ngược"
Trong thời lượng hơn 12 phút, đoạn phim kể về câu chuyện một cô gái từng sống thử với bạn trai trước khi kết hôn và luôn bị ám ảnh bởi quá khứ sai lầm khi từng phá thai, quay clip sex.
Chính vì thế nên cô luôn lo sợ một ngày nào đó, chính hành động dại dột của mình khi còn trẻ sẽ phá hủy hạnh phúc hiện tại.
Qua đoạn phim, người xem có thể hiểu được nếu biết cách, sống thử sẽ mang đến 3 điều được, đó là: giúp hai người hiểu nhau sâu sắc hơn vì khi chung sống dưới một mái nhà, mỗi người sẽ bộc lộ rõ những tính cách của mình; đồng thời đo được mức độ hòa hợp cũng như xung khắc trong lối sống; và có cơ hội thực tập kỹ năng phân công công việc gia đình, kỹ năng quản lý tài chính chung.
Tuy nhiên sống thử cũng khiến bạn phải chịu 6 cái mất. Chẳng hạn mất đi ý nghĩa của sự trong trắng thiêng liêng dành riêng cho người bạn đời thật sự. Mất đi sức khỏe, có thể “đeo ba lô ngược", ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe nếu phá thai... Mất đi danh dự khi con gái bị đánh giá là dễ dãi, buông thả, dễ bị bạn trai xem thường, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị chồng và gia đình phát hiện đã từng sống thử.
Cảnh cắt từ clip
Sống thử cũng dễ biến thành thói quen, thành lối sống hời hợt, buông thả. Đặc biệt có nguy cơ bị tung ảnh nhạy cảm, những clip sex, bị uy hiếp... sau khi chia tay. Và trong trường hợp sống thử vội vàng với một tình yêu hời hợt người ta dễ trở nên buồn chán, trở mặt xúc phạm, chà đạp nhau, để lại những sẹo khó lành…
Thận trọng khi sống thử
Được đăng tải trên YouTube vào ngày 10/2, chỉ sau 3 ngày đoạn phim đã thu hút gần 70.000 lượt tìm xem, đồng thời phủ sóng khắp các mạng xã hội, diễn đàn, đặc biệt là diễn đàn sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ và thu hút rất nhiều bình luận.
“Ở Việt Nam hiện nay đang du nhập văn hóa phương Tây. Sống thử là một phần trong đó. Nhưng ở phương Tây thì sống thử khá phổ biến và được xã hội chấp nhận. Còn Việt Nam thì không được chấp nhận. Nên đây thật sự là đoạn phim bổ ích, cảnh báo cho giới trẻ, không chỉ giúp họ sống sao cho phù hợp xã hội Á Đông mà còn tránh được những câu chuyện đau lòng”, bạn Lan Anh bình luận như vậy trên diễn đàn SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM.
Nhiều ý kiến tương tự, đều nhận xét đoạn phim rất hay và ý nghĩa, tuy không cấm cũng không khuyến khích việc sống thử. Nhưng qua cách phân tích cái hại nhiều hơn cái lợi, đoạn phim đã giúp người xem tìm ra quyết định đúng đắn nhất. Chính vì thế dân mạng rủ nhau cùng chia sẻ, để đoạn phim được lan truyền nhiều hơn đến người trẻ, đặc biệt là giới nữ SV và công nhân.
“Hiện trạng sống thử đã và đang ngày xuất hiện nhiều, thế nhưng các bạn trẻ có suy nghĩ hời hợt và chưa có quan điểm đúng đắn về vấn đề này. Họ chỉ nghĩ đơn giản là để gần gũi nhau hơn, để tiết kiệm tài chính mà không biết được hậu quả lâu dài”, Phạm Thị Bảo Trinh, đạo diễn kiêm biên kịch chia sẻ động lực thực hiện đoạn phim.
Một lý do khác, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, cố vấn nội dung của đoạn phim, chính ông đã từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp nữ sinh sống trong tuyệt vọng và quẫn trí vì từng sống thử, nên phải cảnh báo với giới trẻ bằng đoạn phim này.
“Hãy thận trọng khi quyết định sống thử với nhau. Nếu không có đủ kỹ năng để kiềm chế bản thân, chưa biết cách giữ gìn tâm hồn và sức khỏe của nhau thì đừng tham gia vào sống thử”, thạc sĩ Hiếu khuyên.