Chưa thể an cư
Tại thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, bà Cao Thị Hoa (61 tuổi) sống ngay dưới chân núi từ năm 2004. Gia đình bà thường xuyên phải sơ tán mỗi khi có mưa lớn do nguy cơ núi trượt, đá rơi, lũ bùn. “Năm nào cũng phải sống trong lo lắng khi có mưa lớn, bão lũ, và mỗi lần mưa, cả nhà đều phải đi sơ tán”, bà Hoa chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hợi, sống cách nhà bà Hoa vài trăm mét, là một trong 5 hộ gia đình cần di dời khẩn cấp. Nhà anh chỉ cách điểm lún lở vài chục mét, dưới vệt nứt dài 200 mét. Sau một trận mưa lớn, đất đá từ núi tràn vào vườn nhà anh, gây thiệt hại nhiều cây trồng và phá hủy cổng nhà. Dù đối mặt với nguy cơ, gia đình anh vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn. “Mỗi khi mưa, cả nhà không ai ngủ được vì lo sợ núi sạt lở. Nhiều lần chúng tôi phải đi thuê nhà nghỉ để tránh”, anh Hợi chia sẻ.
“Qua tính toán, Ban đã lập dự toán, đề xuất chủ trương đầu tư để trình Sở Kế hoạch Đầu tư, với mức kinh phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 65 tỷ đồng nhằm phục vụ di dời, tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 32 hộ dân. Công tác này hiện được triển khai khẩn trương. Người dân sẽ chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc), bà con được tạo điều kiện để an cư lạc nghiệp trong thời gian tới”
Ông Nguyễn Công Bình,Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh TT-Huế
Tình trạng nổ mìn khai thác đá gần khu dân cư cũng làm gia tăng nguy cơ. Nhiều người dân thôn Phú Gia lo lắng cho sự an toàn của mình và gia đình nhưng chưa thấy chính sách di dời được thực hiện.
Di dời chậm trễ
Danh sách các hộ cần di dời tại thôn Phú Gia ngày càng dài. Ban đầu chỉ có 14 hộ, nhưng hiện nay đã tăng lên 32 hộ. Dù mức độ nguy hiểm đã được xác định, việc di dời vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, trong khi người dân vẫn sống trong sợ hãi và chờ đợi chính sách di dời, tái định cư.
Sạt lở tại núi Phú Gia đe dọa an toàn cuộc sống của người dân Ảnh T.L |
Anh Nguyễn Văn Hợi cho biết: “Người dân đã kiến nghị nhiều năm, nhưng vẫn chưa thấy tiến triển”. Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, giải thích rằng nếu thực hiện di dời khẩn cấp với kinh phí phòng chống thiên tai, mức hỗ trợ cho dân sẽ thấp và không bao gồm tái định cư. Vì vậy, huyện đã kiến nghị lập dự án di dời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh TT-Huế, cho rằng việc chỉ di dời mà không tái định cư sẽ không được người dân đồng tình. Ban đã lập dự toán và đề xuất đầu tư khoảng 65 tỷ đồng để di dời và tái định cư 32 hộ dân. Công tác này đang được triển khai, và người dân sẽ chuyển đến các khu tái định cư thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Hiện tại, người dân Phú Gia vẫn sống trong nỗi lo sợ từng ngày khi mùa mưa bão đến. Việc di dời và tái định cư là cấp bách để giúp họ ổn định cuộc sống.