Sống lại thời khắc lịch sử dân tộc với 'Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập'

0:00 / 0:00
0:00
NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn.
NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn.
TPO - Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn, trong dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 

Cuốn sách dựng lại thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại hay kể lại như hồi ký Vũ Đình Hòe, hồi ký Trần Huy Liệu, hồi ký Võ Nguyên Giáp, hồi ký Lê Thanh Nghị…

Với “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).

Tiến sĩ Tonnesson, nhà sử học Na Uy, khi nghiên cứu về lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.

Cũng qua các tài liệu mà tác giả tìm thấy, chúng ta được biết, Bác Hồ đã tìm đọc nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Sau khi soạn thảo Người cho đọc và tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín trước khi hoàn thiện. Đó là minh chứng rõ ràng cho tác phong làm việc khoa học của Người, cũng như thái độ cầu thị, trọng thị trí thức của Người.

Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, bạn đọc ngày nay có được một bức tranh sống động và cụ thể về Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước. Tuyên ngôn Độc lập sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp… để công bố với toàn thế giới vê việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” là cuốn sách ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.

Theo NXB Kim Đồng, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo giá trị dành cho thầy cô giáo cũng như các em học sinh đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nhà trường.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.