Ấm no nhờ đưa cau Nàng Rưng từ rừng về vót đũa (Clip: Hoài Nam) |
Cả làng nhộn nhịp
Những ngày cận Tết, ngôi nhà cấp bốn nằm bên ga tàu của anh Đoàn Vương Hải (44 tuổi) cùng vợ Nguyễn Thị Thu (42 tuổi, trú thôn 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trở nên rộn ràng hơn khi có nhiều người đến mua đũa cau. Nghề vót đũa cau Nàng Rưng được vợ chồng anh Hải làm từ năm 2000 đến nay. Bên chiếc bào tự thiết kế, anh Hải tỷ mỉ đưa những thân cây cau Nàng Rưng đã được chẻ thô, thoăn thoắt gọt bớt phần thừa để tạo thành đôi đũa tròn.
Nghệ nhân làng nghề chia sẻ, cau Nàng Rưng có đặc tính thân cây thẳng, nhiều mắt, khi trổ hoa rất đẹp, song quả lại không ăn được. Cây thường mọc ở những khu rừng rậm, mỗi khi vào rừng khai thác, người thợ đi khoảng 1 tuần, ăn ngủ tại lán rừng, đủ chuyến hàng mới trở về. Cau rừng cao khoảng 7m, đường kính thân 6-8 cm.
Anh Đoàn Vương Hải đang làm đũa phục vụ thị trường dịp Tết. |
Anh Hải cho biết, trước đây cau Nàng Rưng sinh sống phát triển nhiều ở các triền đồi của huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Chỉ cần đi rừng một tuần sẽ có đủ nguyên liệu làm đũa cho cả tháng.
Nhưng qua thời gian, cau rừng khai thác nhiều, nguyên liệu dần trở hiếm, người thợ phải di chuyển đến các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, thậm chí sang Lào để thu hái. Điều đặc biệt, đối với cây cau làm đũa phải loại cau già, có độ tuổi trên 15 năm mới đạt chất lượng về độ cứng, độ dẻo dai. Vì giờ nguyên liệu khan hiếm, những người làm đũa nếu không tự đi thu hái được phải mua lại với giá khá cao, từ 100-120 ngàn đồng/cây.
Tranh thủ nắng, người dân mang thân cau được chẻ thô làm đũa ra khu vực gần đường tàu để phơi khô. |
“Đối với thân cau già khi làm mới không bị mốc và có độ cứng, độ dẻo. Nếu cây chưa đủ độ tuổi làm đũa dễ bị gãy và mốc, mẫu mã không đẹp. 24 năm trong nghề, giờ tay đã thành thạo nên công việc luôn thuận lợi. Còn như trước đây, lúc mới vào nghề, dùng dao vót đũa, vừa mẫu không đẹp lại mất thời gian hơn nhiều. Giờ ngày hai vợ chồng làm trên 400 đôi đũa, làm rạng sáng đến đêm mới nghỉ”, anh Hải cười nói.
Theo anh Hải, để vót được đũa phải trải qua nhiều công đoạn, từ chẻ cau thô, bào, gọt, tỉa, làm bóng, phơi khô… Hầu như những dịp tháng 6, khi thời tiết nắng ráo, gia đình thu mua nhiều cau rừng để có nguyên liệu sản xuất đũa phục vụ nhu cầu thị trường cho dịp Tết.
Sản phẩm đũa cau Nàng Rưng được bó từ 50 đôi để bán cho khách. |
Đối với những ngày nắng, đũa Nàng Rưng trải qua 7 nắng để đạt đủ độ khô hoặc nếu ngày mưa phải hầm than củi trong 9 tiếng mới đạt chất lượng. Sau khi đũa hoàn thành sẽ dùng lá chuối hột để chà, cách làm này sẽ giúp đũa bóng, trơn hơn.
"Lá chuối hột để trong rổ tre, sau đó lấy đũa vừa được bào mịn đặt trong rổ, đeo găng tay chà đi chà lại tạo độ bóng. Lá chuối cau có độ bền, dùng để đánh bóng được lâu. Các loại lá chuối khác cũng có thể sử dụng, song rất giòn và nhanh phải thay. Nhờ nghề vót đũa giúp gia đình “sống khoẻ”, nuôi con vào đại học.", anh Hải nói.
Ấm no nhờ nghề
Có gần 30 năm làm nghề vót đũa, bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi) cho biết, dù nghề phụ lúc nông nhàn, song lại cho thu nhập tương đối ổn định. Dịp Tết, nếu chăm chỉ, đơn hàng nhiều, mỗi người thu nhập trên 10 triệu đồng.
Theo bà Liên, vốn nghề vót đũa cau xuất thân từ nghèo khó. Hàng chục năm trước, ruộng đồng khô cằn, trồng lúa chẳng đủ ăn. Trong khi đó, những gia đình ở làng tự làm đũa để dùng trong gia đình rất đẹp, nhiều người vùng ven lân cận thấy vậy cũng đặt mua về dùng. Nhờ vậy, tiếng lành đồn xa, đơn hàng đặt ngày càng nhiều và từ trở thành nghề thu nhập chính của một số hộ dân trong làng. Đũa ở đây được bán với giá loại đặc biệt nhất 10 đôi giá 70 ngàn đồng; còn loại thường từ 20-50 ngàn đồng/10 đôi.
Bà Nguyễn Thị Liên làm đũa gần 30 năm qua. |
Thoăn thoắt đưa tay đẩy qua đẩy lại trên chiếc bào đũa, bà Liên tâm sự: “Nghề làm đũa nhìn thì nhàn, không mất sức, nhưng ngồi nhiều cũng mỏi lưng. Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Khác với nhiều sản phẩm đũa trên thị trường thường làm từ gỗ, tre, xương, ngà voi, kim loại, chất dẻo, người dân ở đây làm đũa từ cây cau tự nhiên và làm thủ công, không sử dụng các loại chất để tạo độ bóng hay màu… Bởi vậy được nhiều người tin tưởng, đặt hàng. Giờ đây không chỉ xuất bán trong huyện mà đi ra các tỉnh phía Bắc, miền Nam".
Theo lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch, địa phương đang có 20 hộ gia đình ở thôn 1 và 3 duy trì nghề làm đũa, nhờ có nghề này, nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có tiền nuôi con ăn học.
Chiều muộn, nắng khuất núi, làng nghề hối hả như những chuyến tàu cuối năm ngược xuôi chạy ngang qua. Sau mỗi tiếng còi của tàu ngân vang, động lại là tiếng bào đũa, tiếng cười của những con người nông dân lao động chất phác. Nghề vót đũa đến nay có 30 năm tuổi, nhờ cái nghề mộc mạc ấy mà nhiều hộ gia đình sống bên Ga tàu Phúc Trạch có cuộc sống ấm no, con cái có được cái chữ.