Sóng di động trụ vững giữa Trường Sa

Sóng di động trụ vững giữa Trường Sa
Trường Sa đẹp rưng rưng giữa trùng dương xanh thẳm. Trường Sa thử thách không chỉ với quân dân trên đảo mà cả với những thiết bị thông tin của họ. Giữ sóng di động bền bỉ ở Trường Sa là cả 1 kỳ tích trong sự khắc nghiệt của khí hậu.

> Những thú vui của lính Trường Sa

Sóng di động trụ vững giữa Trường Sa ảnh 1

Chúng tôi rời đảo Song Tử Tây đi về phía nam, đi trong mùa khô Trường Sa. Trường Sa Lớn đã gần 2 tháng không có mưa, có chăng chỉ là những cơn mưa nhỏ, đi qua đảo nhanh như bước chân chạy của lũ trẻ tươi vui nơi đây.

Điểm đến của đoàn chúng tôi là những đảo nổi mà đứng ở 1 ngã tư đường chính trên đảo bạn có thể nhìn thấy biển xanh lấp lánh ở 3 phía, và phía thứ tư là 1 ngọn hải đăng cao ngất; những đảo chìm mà đi từ đầu này đến đầu kia của đảo, lính công binh phải bắc cầu.

Trái với mùa mưa dài dằng dặc từ tháng 5 năm trước đến tận tháng giêng năm sau, mùa khô ở Trường Sa ngắn ngủi từ tháng 2 đến tháng 4, tháng 5. Đây là mùa mà anh Trang - sĩ quan binh chủng thông tin - phải đi một chuyến công tác dài để kiểm tra và bảo dưỡng máy móc thông tin trên các đảo.

Trường Sa có khí hậu đại dương, độ ẩm trung bình năm từ 76-80%, có những ngày lên đến 97%. Trong không khí là nước biển, trong nước biển là muối. Muối ngấm vào thiết bị với độ thẩm thấu cao. Anh em trên đảo nói đùa là máy móc thiết bị của họ cũng được biển Trường Sa “muối rất kỹ”! Trên đảo Song Tử Tây có trường hợp cánh quạt của máy phát điện chạy bằng sức gió rơi thẳng từ độ cao hàng chục mét xuống mặt đảo vì bị muối trong gió biển ăn mòn.

Nhưng khi chúng tôi đến Song Tử Tây, 1 loạt cánh quạt sơn trắng tinh tươm vừa được thay mới quay tít trong gió, khiến nơi này có dáng vẻ trang nhã của 1 hòn đảo du lịch giữa trùng khơi. Mỗi năm ở Trường Sa có hàng trăm ngày gió mạnh. Như đảo Đá Nam, mỗi năm có tới khoảng 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên; gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng ít gió là tháng 4, thời điểm chuyển tiếp giữa 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Gió thổi vào mọi ngóc ngách của các thiết bị điện tử dù được thiết kế kín đến mấy cũng không thoát được muối.

Thiết bị trạm phát sóng di động đảo Cô Lin được ưu tiên hẳn 1 cái quạt để làm mát
Thiết bị trạm phát sóng di động đảo Cô Lin được ưu tiên hẳn 1 cái quạt để làm mát.

Anh Trang, tháng 5 vừa rồi ra bảo dưỡng thiết bị thông tin tại đảo Cô Lin. Anh kể về những chuyến đi dài trên biển và khẳng định rằng Viettel đã thay đổi toàn diện cuộc sống của quân và dân trên đảo. Anh vẫn nhớ về thời kỳ mà nỗi nhớ đất liền khiến người lính Trường Sa thường viết thư mỗi tuần mỗi ngày, để đến khi gửi đi là mỗi người lính có 1 phong bì dày cộp. 365 ngày thương nhớ dồn lại 1 ngày gửi lên tàu.

Anh kể từng có thời lính đảo nhớ nhà, đã lén chỉ huy vào phòng thông tin gọi về hỏi thăm tin tức gia đình nhờ sóng radio. Người lính ấy gọi về tổng đài, nhờ gọi vào 1 số máy bàn gia đình đang ngóng chờ cuộc gọi. Cuộc gọi đầy nhớ thương ầm ào tiếng sóng.

Anh Trang nói, vất vả nhất với công việc bảo dưỡng các thiết bị thông tin và việc bảo dưỡng 6 tháng 1 lần khiến những người người lính thông tin phải đi từ đảo này sang đảo khác, dù là mùa khô hay mùa mưa bão.

Phòng thông tin của đảo Cô Lin đặt trên một căn phòng tường dày để đảm bảo độ mát cho máy móc, trong một mùa khô mà biển nóng ngột ngạt oi bức từ 4 rưỡi sáng đến 7 giờ tối. Ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, số ngày nắng trên đảo Cô Lin trên dưới 300 ngày mỗi năm. Khác với đảo Đá Nam, Cô Lin ngoài hai khối gió mùa Đông Bắc và Tây Nam, còn phải chịu thêm khối gió Đông Nam; 3 khối gió này thay nhau “thịnh hành” khiến máy móc càng phải cần bảo dưỡng thường xuyên. Những ngày nắng nóng, bộ đội hải quân mắc võng ngoài sân trời, nhường chiếc quạt cây duy nhất trong phòng cho máy móc, thiết bị.

Trên đảo Đá Tây C, một chi tiết nhỏ làm tôi thú vị là anh lính thông tin khi thấy có khách vào thăm thì quay chiếc quạt nhỏ ra cho khách, còn anh ngồi không với mồ hôi đầm đìa, dù 1 chiếc quạt cây lớn trong phòng thì được dành cho các thiết bị đang chạy. Hôm đó trưa biển oi nồng.

Tại Cô Lin chỉ có 1 phía hướng về Sinh Tồn Lớn là có sóng. Trên cửa sổ là một chiếc giá treo điện thoại bằng plastic tự tạo để đón sóng Viettel từ đất liền. Trong khi chúng tôi đang kể câu chuyện về những ngày mà lính đảo không có thư nhà là khóc thì có tiếng chuông reo, một anh lính trẻ chạy vào mang ra góc xa nhất của sân tầng 2 Cô Lin để nghe máy. Nhìn nụ cười tươi sáng của anh lính trẻ, anh Trang cũng mỉm cười.

Giữ sóng Viettel ở Trường Sa là một công việc thầm lặng và đầy khó khăn thử thách, nhưng là một công việc đầy ý nghĩa. Tôi còn nhớ mãi 1 câu thơ trong cuốn kỷ yếu của một đoàn đi công tác Trường Sa, dựa trên lời hứa với người vợ yêu của một người lính hải quân làm nhiệm vụ lái tàu ngang dọc vùng biển đảo Trường Sa. Lời hứa ấy như thế này: “Anh sẽ hôn môi em mỗi khi có tiếng chuông điện thoại reo”.

> Bạn của người đi biển

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG