Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Lâm (54 tuổi, trú thôn 6, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng hàng chục năm qua. Trước đây, vườn tược, nhà cửa cách sông Ngàn Trươi cả trăm mét, nay lòng sông đã lấn sâu vào trong, chỉ còn cách bờ tường nhà chưa đầy 1 mét. Bởi vậy, khi mưa xuống, gia đình ông Lâm không thể nào yên giấc vì ám ảnh nỗi lo mất nhà khi bờ sông sạt lở.
Trận mưa lũ vào cuối năm 2023, đã cuốn đi nhiều cây cối ở vườn, ngôi nhà của ông Lâm cũng trở nên chênh vênh bên miệng “hà bá”. “Sau mỗi trận mưa, đất, cây ở vườn lại bị sông cuốn mất. Giờ bên trong nhà có nhiều vết nứt chạy ra mé sông, tôi phải dùng cọc tre chằng nhà lại vì lo sợ đổ sập bất cứ lúc nào”, ông Lâm nói.
Bờ sông Ngàn Trươi sạt lở sát vào ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Lâm |
Nằm ở cuối thôn 6, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi, trú xã Quang Thọ) cũng nằm sát bờ sông Ngàn Trươi. Đặc biệt, lối dẫn vào nhà đã bị nước sông Ngàn Trươi cuốn phăng, nhiều tháng nay gia đình phải di chuyển nhờ qua đất hàng xóm để vào nhà.
“Con đường dẫn vào đã bị sạt lở, cuốn mất. Giờ muốn vào nhà thì phải đi qua nhà hộ dân khác hoặc phải bám bờ tường để đi. Nhưng việc bám tường đi cũng nguy hiểm, vì lỡ trật tay, sẩy chân là ngã xuống sông ngay”, ông Hùng nói.
Không chỉ ở sông Ngàn Trươi, mà nhiều hộ dân ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang cũng đang bất an khi bờ sông Ngàn Sâu liên tục sạt lở. Sau những trận lũ đi qua, nước sông lấn vào khu vực dân cư cả mét, cuốn trôi nhiều vườn tược, đất đai của người dân.
Đặc biệt, tại tuyến đường trục thôn 2 - Văn Giang (xã Đức Giang) với chiều dài hơn 200m cũng đang sạt lở nham nhở, khiến cuộc sống người dân không còn được bình yên như trước. Nhiều hộ dân đã chủ động kè dọc vườn, bờ sông, nhưng cũng như “muối bỏ bể”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết, tình trạng sạt lở sông Ngàn Trươi diễn ra nghiêm trọng trong mấy năm gần đây. Một số điểm sạt lở sát vào khu vực dân cư, đe doạ đến tính mạng, tài sản.
Vì thế, vào những thời điểm mưa lũ, địa phương lên phương án, đồng thời tuyên truyền vận động những hộ dân trong nguy cơ ảnh hưởng sạt lở bờ sông đến vị trí an toàn.
“Chúng tôi đã báo cáo, đề xuất để có phương án xử lý tình trạng sạt lở bờ sông. Hiện tại, có một số điểm quan trọng như khu vực cầu treo, đường, đã được khắc phục. Còn những vị trí sông sạt lở, lấn sâu vào nhà dân đang đề xuất phương án xử lý, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên phải chờ đợi”, ông Cường nói.
Không chỉ ở sông Ngàn Trươi, nhiều hộ dân ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang cũng đang bất an khi bờ sông Ngàn Sâu liên tục sạt lở. Sau những trận lũ đi qua, nước sông lấn vào khu vực dân cư cả mét, cuốn trôi nhiều vườn tược, đất đai của người dân.