Số trẻ bị bệnh tay chân miệng gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngành y tế TPHCM cảnh báo nếu không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả từ cộng đồng, bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ và gây áp lực cho hệ thống điều trị.

Hiện nay, trung bình trong ngày, mỗi bệnh viện nhi đồng ở TPHCM tiếp nhận, điều trị 20 - 30 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng. “Hầu hết trẻ nhập viện đều ở mức độ trung bình, rất ít trẻ ở mức độ nặng. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một chu kỳ gia tăng của bệnh từ nay đến hết tháng 6”, ông Khánh nói.

Số trẻ bị bệnh tay chân miệng gia tăng ảnh 1

Trẻ được phụ huynh đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa, cho biết: “Hiện khoa đang điều trị cho gần 20 bệnh nhi mắc tay chân miệng, hầu hết bệnh nhi đều trong nhóm độ 1 đến 2B. Trong 2 tuần qua, chỉ có 1 trường hợp diễn tiến nặng sang độ 3 do nhập viện trễ, trẻ bị suy hô hấp, khó thở, co giật, hôn mê nhưng đã được điều trị kịp thời”.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, số ca bệnh tay chân miệng trong tuần qua tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước. Trong 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh trong nhóm từ 1 - 5 tuổi. Riêng tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5), thành phố ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 4-6 và tháng 9-11 hằng năm. Trẻ mắc tay chân miệng đa số đều diễn tiến nhẹ, tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não- màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.