Số phận truân chuyên của ca khúc 'Bài ca hy vọng'

Số phận truân chuyên của ca khúc 'Bài ca hy vọng'
TPO - Ca khúc "Bài ca hy vọng" của Văn Ký là một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất trong thời kháng chiến chống Mỹ nhưng ít người biết số phận truân chuyên của nó. Tác phẩm từng bị từ chối in ấn và nhờ sự kiên định của tác giả mà tác phẩm đến được với người nghe.  
Nhạc sĩ Văn Ký viết tác phẩm "Bài ca hy vọng" năm 1958 từ trái tim của mình, từ khát khao và hy vọng vào sự thống nhất hai miền Bắc - Nam mà không theo chủ đề hay nội dung sáng tác nào được khởi xướng vào lúc đó. 
Nhạc sĩ, nhà phê bình Trần Lệ Chiến là người nhiều lần gặp gỡ viết bài về nhạc sĩ Văn Ký cho biết ông từng tâm sự với nhà phê bình Trần Lệ Chiến như sau: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài “Bài ca hy vọng” được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh".
Nhạc sĩ Văn Ký là một con người đầy lãng mạn, ca khúc như mở ra một tương lai tươi sáng trước mắt, với niềm tin rất mãnh liệt. 
Hai tháng sau, ông đem bài hát tới Nhà xuất bản Âm nhạc để in. Chúng ta đều biết nhạc sĩ Văn Ký là một trong những người sáng lập ra Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1957 và bài hát này được ông chỉnh sửa 2 tháng rồi mới đem đi in. Tuy nhiên, trong không khí sáng tạo rất bay bổng ấy, ông đã nhận được một cái kết không ngờ, Nhà xuất bản âm nhạc đã từ chối xuất bản "Bài ca hy vọng". 
Lý do Nhà xuất bản từ chối, không phải là vì chất lượng tác phẩm mà nặng nề hơn đó là lỗi về nhãn quan chính trị, một điều hết sức nhạy cảm vào thời điểm ấy. Theo tác giả kể lại thì: "Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời".
Số phận truân chuyên của ca khúc 'Bài ca hy vọng' ảnh 1 Nữ nhạc sĩ, nhà phê bình Trần Lệ Chiến và nhạc sĩ Văn Ký 
Lý giải việc "Bài ca hy vọng" từng bị từ chối xuất bản, nhạc sĩ nhà phê bình Trần Lệ Chiến nói với phóng viên Tiền Phong: "Vào thời điểm chiến tranh, nhiều bài hát bị từ chối xuất bản và phổ biến với lý do không phù hợp. Chẳng hạn nhạc sĩ Hữu Xuân phổ thơ bài Thuyền và Biển nhưng không được phát". Theo tác giả Hữu Xuân thì biên tập yêu cầu sửa nhân vật trong bài "Thuyền và Biển" thành người lính hải quân và người em hậu phương thì mới phát được. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết trước đó ca khúc "Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn do Ngọc Bảo thu thanh và phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1956 chịu ngay bao điều tiếng, phê phán là “lạc quan tếu”, nguyên do là Đoàn Chuẩn viết những câu như "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh...". 
Bị từ chối xuất bản, nhạc sĩ Văn Ký đem "Bài ca hy vọng" về nhà. Rõ ràng, theo ý của Nhà xuất bản, nếu muốn được in ấn và tác phẩm đến với công chúng, Văn Ký buộc phải sửa đổi ca từ, giảm bớt sự "lạc quan quá" của ông trong tác phẩm này.
Nhạc sĩ Văn Ký kể lại với nhà phê bình Trần Lệ Chiến: "Tôi đọc lại bản nhạc của mình, nhưng thấy không thể khác được nên đã mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên - Trưởng ban Âm nhạc bố trí để tôi trực tiếp dàn dựng". 
Không rõ nhạc sĩ Văn Ký có kể lại chuyện tác phẩm bị Nhà xuất bản Âm nhạc từ chối in hay không? hay Nhà báo Trần Lâm và nhạc sĩ Phạm Tuyên có cái nhìn cởi mở hơn đối với "bài hát lạc quan quá" của Văn Ký? Tác phẩm "Bài ca hy vọng" đã được thu âm với giọng hát của Khánh Vân và lập tức tạo nên một cơn sốt trong người nghe nhạc.
Số phận truân chuyên của ca khúc 'Bài ca hy vọng' ảnh 2 Hình ảnh ca sĩ Khánh Vân và "Bài ca hy vọng" trên bìa lịch năm 1963
Khắp nơi mọi người hát "Bài ca hy vọng". Ca khúc được phát trên đài nhanh chóng lan truyền vào chiến khu vào với chiến trường. Bài hát rung động cả những chốn lao tù nơi các chiến sĩ bị địch đàn áp, hành hạ.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước từng kể rằng trước cảnh bị địch hành hạ nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, những người tù chính trị ở Côn Đảo đã hát vang "Bài ca hy vọng" đến mức bọn cai tù đổ vôi bột xuống hầm không cho hát nữa. 
Từ chỗ bị từ chối xuất bản, "Bài ca hy vọng" đã xuất hiện trên sóng và lay động triệu triệu con người. "Bài ca hy vọng" là một trong những tác phẩm được chuyển soạn cho rất nhiều nhạc cụ nhất trong lịch sử các ca khúc Việt Nam, Theo nhà phê bình Trần Lệ Chiến thì tác phẩm này đã được chuyển soạn cho violin cello, piano, phối khí cho dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng và được đưa vào làm nhạc nền trong phim phim Đừng đốt".
Có một sự trùng hợp, hội tụ phía sau "Bài ca hy vọng" đó là câu chuyện những người lao tù. Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng năm 1943, đến năm 1944 ông bị Pháp bắt và chỉ được Nhật thả ra. Trong cảnh tù đầy, ông vẫn không phai nhạt ý chí và sau khi ra tù, năm 1945 ông đã cùng nhân dân giành chính quyền tại Thanh Hóa. Ca sĩ thể hiện bài hát "Bài ca hy vọng" đầu tiên là ca sĩ Khánh Vân. Cô tham gia biểu diễn nghệ thuật và hoạt động cách mạng tại Sài Gòn từ thủa thanh niên và năm 1946 cô cũng bị địch bắt giam. Chính trong tù Khánh Vân đã hát và dạy các bạn hát để giữ vững chí khí. Khánh Vân được bầu làm trưởng ban văn nghệ trong tại tù. Sau khi ra tù, cô được đưa tập kết ra Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. 
Phải chăng, chính trải qua những giây phút sinh tử cùng cực trong cảnh lao tù mà Văn Ký và Khánh Vân đã hiểu hơn ai hết ý nghĩa và giá trị của niềm tin, của hy vọng?
Số phận truân chuyên của ca khúc 'Bài ca hy vọng' ảnh 3 Nhạc sĩ Văn Ký những năm 1970.
Nhà phê bình Trần Lệ Chiến nhận xét rằng: "Cuộc đời làm nghề, tôi may mắn được trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký nhiều lần. Song ở bất cứ thời điểm nào, chuyện đời, chuyện nghề ở ông luôn tiếp thêm năng lượng cho người đối diện bằng một phong thái an nhiên, tự tại".
Nhạc sĩ Văn Ký đã ra đi nhưng và tác phẩm "Bài ca hy vọng" vẫn mãi đem đến năng lượng cho con người, chắp cánh cho những niềm tin vào ngày mai. 
Cùng nghe lại "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký với giọng hát Khánh Vân và phần đệm piano của NSƯT Hoàng Mãnh. 
MỚI - NÓNG