Ngày đó, "Bài ca hy vọng" được những người tù thường xuyên hát, như để lạc quan, hy vọng vào một tương lại tươi sáng vẫn đang tới, cũng như để tự động viên mình, động viên đồng đội cùng tiếp tục tranh đấu cho sự nghiệp Cách mạng cao cả.
Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước đã từng kể, năm 1969 khi đang hoạt động công khai, bà bị địch bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo. Trong tù, bà cùng các chị em vẫn hát vang ca khúc Bài ca hy vọng với tất cả niềm tin tưởng ở tương lai. Đã nhiều lần, khi nghe tù nhân hát Bài ca hy vọng, bọn cai ngục đã cho đổ vôi bột vào hầm. “Nhưng mọi thủ đoạn của chúng không bao giờ dập tắt được niềm hy vọng của những người cộng sản. Càng tra tấn, cấm đoán, chúng tôi càng hát Bài ca hy vọng to hơn. Rồi các nhà tù chung quanh cũng cùng hát vang. Bài hát làm cho mọi người thêm tinh thần đoàn kết, thêm tin tưởng lạc quan tương lai hơn".
Còn ông Tư Cẩn- nguyên Bí thư Đảng uỷ nhà tù Côn Đảo từng kể, dù kẻ thù dùng đủ mưu kế ác độc hèn hạ để tra tấn, hãm hại nhằm dập tắt tinh thần đấu tranh của những người tù cách mạng nhưng sau mỗi lần như thế, những người tù lại lạc quan cất cao giọng hát với ca khúc Bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký và luôn tin tưởng chắc chắn rằng sẽ đến ngày chiến thắng. Dù sau đó có người đã hy sinh, có người đã bị tàn phế nhưng ai còn hát được vẫn tiếp tục hát. Cùng với những ca khúc như Cùng nhau đi hồng binh, Biết ơn chị Võ Thị Sáu.... ca khúc Bài ca hy vọng đã trở thành liều thuốc thần tiên giúp những người tù vượt qua bao khó khăn để tiếp tục tranh đấu cho ngày hoà bình.
Là một trong những ca sỹ được hát Bài ca hy vọng ngay giữa nhà tù Côn Đảo trong chương trình ca nhạc “Côn Đảo- Hồn thiêng Tổ quốc”, nữ ca sỹ Thanh Nguyên- Nhà hát Giao hưởng- Nhạc- Vũ kịch TPHCM cho biết: “Tôi đã hát ca khúc Bài ca hy vọng nhiều lần, nhưng được hát giữ không khí thiêng liêng của mảnh đất Côn Đảo đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi được biết những người tù chính trị ở Côn Đảo đã từng hát ca khúc này trong khi bị áp bức đàn áp mỗi ngày. Nhưng họ vẫn hát Bài ca hy vọng để gửi gắm niềm hy vọng rằng cuộc kháng chiến sẽ đi tới thành công. Đó là khát khao trong mỗi người tù. Vì thế hát ca khúc này giữa nhà tù Côn Đảo mà những người tù đã từng hát, tôi cảm thấy đó là một niềm vinh dự cho thế hệ trẻ như chúng tôi”.
Ca sỹ Thanh Nguyên cũng chia sẻ về sự ra đi của nhạc sỹ Văn Ký “Tôi chưa được gặp nhạc sỹ nhưng đã từng hát những ca khúc ông như Bài ca hy vọng, Nha Trang màu thu lại về... Nhạc sỹ mất đi là một sự tổn thất cho âm nhạc nước nhà bởi Văn Ký là người sáng tác những ca khúc Cách mạng rất có chiều sâu, được nhiều thế hệ yêu thích. Xin chia buồn với đình nhạc sỹ”.