Các nhà khoa học và bảo vệ thiên nhiên đang kêu gọi cải thiện những biện pháp bảo vệ loài sư tử - cho dù điều đó có nghĩa là phải giam chúng trong những khu vực dành riêng.
Những mối đe dọa từ thiên nhiên và con người
Lý do chính của sự sụt giảm mạnh số lượng sư tử là sự biến mất dần các thảo nguyên. Khoảng 100.000 con sư tử lang thang trên các đồng cỏ khô châu Phi trong thập niên 1960, nhưng ngày nay con số đó rút bớt lại chỉ còn không hơn 35.000 con - theo báo cáo của Stuart Pimm, Giáo sư khoa Bảo tồn sinh thái Đại học Duke ở thành phố Durham, miền trung bang Bắc Carolina (Mỹ).
Pimm giải thích: "Sự sử dụng đất cũng như sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất do đà tăng dân số quá nhanh đã băm nhỏ và hủy diệt các thảo nguyên". Hệ sinh thái ngày xưa của châu Phi rộng hơn diện tích nước Mỹ nhưng hiện nay chỉ còn lại một phần tư.
Và, giáo sư Pimm lưu ý rằng sự thu hẹp thảo nguyên cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sự mất dần diện tích rừng. Thomas Lovejoy, nhà sinh thái học Đại học George Mason ở bang Virginia (Mỹ) và thành viên của tổ chức bảo tồn các loài thú lớn thuộc họ mèo trên thế giới phát biểu: "Đó là sự thật cay đắng".
Để có được con số chính xác về dân số sư tử châu Phi, Pimm và nhóm của ông thu thập toàn bộ các dữ liệu về sư tử châu Phi từ trước đến nay và nỗ lực của họ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức cũng như người dân địa phương. Kết quả được công bố trên tạp chí Đa dạng sinh thái và Bảo tồn. Công nghệ ghi hình độ phân giải cao của vệ tinh giúp các nhà khoa học phát hiện những thảo nguyên nhỏ nằm rải rác trong môi trường. Họ xác định được 67 khu thảo nguyên riêng lẻ đủ chỗ cho sự sống còn của sư tử.
Nhưng, trên thực tế chỉ có 10 khu vực trong số đó - 6 ở Nam Phi và 4 ở Đông Phi - được chứng minh là các "thành trì" cho cơ hội sống sót của sư tử. Phần lớn những môi trường sống này nằm trong những khu vực được bảo vệ như là hai công viên quốc gia Kruger và Serengeti. Thật ra, nhà động vật học người Đức Alfred Brehm đã quan sát thấy sự sụt giảm dân số sư tử bắt đầu diễn ra cách đây hàng ngàn năm khi mà chúng bị đưa vào các đấu trường.
Dưới thời trị vì của hoàng đế La Mã Hadrian, 100 con sư tử gục chết chỉ trong một trận đấu diễn ra trên đấu trường. Pompey Đại Đế thí mạng 600 con sư tử, còn 400 con khác bị đưa ra đấu trường dưới triều đại Caesar. "Nhưng sự việc còn thê thảm hơn khi con người phát minh ra súng đạn". Lúc đó sư tử - mối đe dọa cho các đàn vật nuôi - bị tiêu diệt khắp nơi. Và, con sư tử cuối cùng của Morocco bị bắn chết năm 1920.
Đó là một ngày chủ nhật ở Nam Phi, và trên bãi cỏ xanh của Trại Sư tử Weltevrede, nhiều cánh tay với đến con sư tử con có bộ lông màu trắng có thể to gấp đôi con thú nhồi bông. Du khách được phép ve vuốt Lisa, con sư tử con đã 8 tuần tuổi. Lisa bị tách rời khỏi mẹ khi nó được 2 tuần tuổi nhằm để dễ dạy bảo - theo giải thích của hướng dẫn viên du lịch Christiaan. Những con thú con chào đời trong Trại Sư tử Weltevrede ở tỉnh Vrystaat của Nam Phi đều được nhân viên nuôi bằng sữa bình.
Christiaan cho biết du khách có thể mua một sư tử con với giá 40.000 rand (khoảng 3.400 euro hay 4.455 USD). Cha của Lisa, con sư tử già có bờm uy nghi có giá đến 20.000 euro. Chỉ riêng tại Weltevrede đã có đến 2.000 con sư tử và chúng được gây giống để phục vụ trò tiêu khiển cho du khách gọi là "săn trong chuồng" hay "du lịch săn bắn".
Ở miền nam sa mạc Sahara, con người chính là kẻ thù ghê gớm nhất của sư tử. Trước đây, các bộ lạc du mục như là Massai bắn chết hay dùng thuốc độc tiêu diệt những con sư tử tàn sát những đàn vật nuôi. Nhưng, thú vui săn bắn của giới quan chức cai trị thuộc địa ngày xưa và những người nối nghiệp họ càng đe dọa giống loài sư tử.
Simon Leach, người điều hành Trại săn sư tử giải trí Eagle Safaris ở Harrismith, Nam Phi, khoe khoang chỉ trong 3 năm ông cố Harold của anh đã bắn chết trên 400 con sư tử và số báo tương đương. Thậm chí, trên trang web của mình, Leach còn nhấn mạnh Eagle Safaris ngày nay vẫn tiếp tục "truyền thống đáng tự hào" này.
Đến với Eagle Safaris, những thợ săn chưa có kinh nghiệm cũng được hoan nghênh như thợ săn nhà nghề bách phát bách trúng và thậm chí không đòi hỏi giấy phép săn bắn! Các nhóm bảo tồn quốc tế kịch liệt chỉ trích trò săn bắn giải trí này - đặc biệt đang bùng nổ mạnh tại Nam Phi và Tanzania - góp phần đe dọa sự sinh tồn của sư tử.
Trước tình trạng cấp bách này, Jeffrey Flocken ở Quỹ Quốc tế bảo vệ và chăm sóc động vật (IFAW) cùng với các đồng nghiệp của ông đã có đơn thỉnh nguyện đến Bộ Nội vụ Mỹ đề nghị đưa loài sư tử vào danh sách động vật được bảo vệ bởi Luật về Các loài động vật quý hiếm (ESA) của Mỹ. Sư tử hiện nay chỉ được bảo vệ có giới hạn bởi CITES (Công ước Quốc tế về các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng).
Trong khi đó, người Mỹ đặc biệt thích mang từ châu Phi về nhà những chiếc đầu sư tử nhồi bông, móng và đuôi sư tử. Những nhà nhập khẩu quan trọng khác bao gồm Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Xương sư tử cũng rất có giá ở Trung Quốc để làm "thuốc" được tin là có tính năng chữa bệnh để thay thế cho xương hổ hiện đang trở nên hiếm hoi.
Theo đơn thỉnh nguyện, những bộ phận cơ thể của ít nhất 5.660 con sư tử bị giết chết được buôn bán trên thị trường quốc tế vào giữa các năm 1999 và 2008. Những hậu quả của "du lịch săn bắn" đã thấy rõ đối với loài sư tử. Các thợ săn thường rất thích bờm sư tử cho nên họ chọn mục tiêu là những con đực già, đầu đàn.
Các nhà bảo tồn cảnh báo, nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ thì sư tử châu Phi sẽ đến ngày tuyệt chủng; và Cơ quan bảo tồn Cá và Động vật Hoang dã Mỹ (USFWS) cũng coi trọng vấn đề này và đang xem xét khả năng đưa thêm loài sư tử vào danh sách ESA.
Alexander Songorwa, giám đốc Đời sống hoang dã của Bộ Du lịch và Tài nguyên thiên nhiên Tanzania, tuyên bố trên tờ New York Times rằng hành động của Mỹ có thể dẫn đến hậu quả là ngành du lịch nước này sẽ mất đi 60% thu nhập từ du lịch săn sư tử. Theo Songorwa, đó sẽ là thảm họa cho Tanzania. Do đó mà Trang trại nuôi động vật hoang dã Nam Phi (WRSA) mô tả những nỗ lực đưa loài sư tử vào danh sách ESA là hành vi "phá hoại ngầm".
WRSA cho biết, 10.000 trại chủ của Nam Phi rất hãnh diện về "sự tăng trưởng lớn lao ở ngành chăn nuôi thú hoang dã Nam Phi". Ngành chăn nuôi này cung cấp cho du khách thích săn bắn đủ loại thú - trâu, linh dương châu Phi và các loài linh dương khác, đặc biệt là sư tử.
Hiện nay, các chuyên gia đang bất đồng ý kiến về những cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sư tử châu Phi. Giáo sư Stuart Pimm cũng đang ra sức hợp tác với những người dân địa phương để bảo vệ sư tử và nhấn mạnh trẻ em châu Phi cũng cần được dạy dỗ yêu quý thú ăn mồi khi còn ngồi dưới mái nhà trường. Bất chấp những nỗ lực của mình, Pimm cảm thấy không còn mấy tin tưởng vào sự sống chung giữa người và sư tử.
Số phận nghiệt ngã của loài
Sư tử, vua của muông thú, đang lâm vào cảnh ngộ hết sức tuyệt vọng ngay trên vương quốc của nó.
Fiona Miles, chuyên gia thuộc chi nhánh Vrystaat của nhóm bảo vệ quyền động vật quốc tế Four Paws - tổ chức đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng săn giết thú rừng tràn lan, nhận xét một cách cay đắng: "Trên toàn bộ lãnh thổ Nam Phi, số sư tử bị giam nhốt không ít hơn số con sống trong hoang dã".
Four Paws đã không thành công trong nỗ lực chống lại trò săn bắn giải trí dành cho du khách nhằm vào những con thú được thuần hóa một phần nào và đôi khi bị đánh thuốc cho trở nên ngoan hiền. Được coi là bước đầu tiên để ngăn cấm trò săn thú này, Miles kêu gọi tạm thời ngưng lại việc gây giống cho sư tử. Mối đe dọa lớn nhất của sư tử châu Phi là con người, và theo các chuyên gia, loài này có thể sẽ biến mất trong hoang dã trong khoảng chưa đến 10 năm nữa.
Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, quần thể sư tử hoang dã châu Phi đã từ 450.000 con tụt xuống còn chừng 20.000 con trong vòng 50 năm qua, chủ yếu do môi trường sống của chúng bị phá huỷ hay bị săn lậu để giết bán nội tạng hoặc cung cấp cho thị trường thú nuôi. Jeff Flocken, giám đốc Quỹ quốc tế bảo vệ và chăm sóc động vật (IFAW) đặt trụ sở chính ở Washington, cho biết vào giữa những năm 1998 và 2008, 64% trong số 5.663 con sư tử hoang dã châu Phi bị săn lậu để đưa sang Mỹ. Trong khi đó người ta thường chọn săn sư tử đực.
Mà theo hai nhà làm phim Dereck và Beverly Joubert của tạp chí National Geographic, những con sư tử đực đầu đàn bị bắn chết sẽ dẫn đến cái chết của nhiều sư tử khác do cuộc chiến tranh giành ngôi vị lãnh đạo bầy đàn bùng nổ. Beverly Joubert giải thích con sư tử mới giành được vị trí lãnh đạo bầy đàn sẽ giết chết những con con của sư tử đầu đàn bị thợ săn người Mỹ sát hại.
Chuyên gia sinh học về đời sống hoang dã Craig Packer Đại học Minnesota lo ngại dân số sư tử trong tự nhiên sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa vào 20 hay 40 năm tới. Craig Packer cho rằng việc thành lập những khu bảo tồn sư tử ở 11 quốc gia châu Phi sẽ rẻ tiền hơn là tạo ra những chương trình kiểm soát loài trong tự nhiên.
Ngoài ra, sư tử sẽ có cơ hội hưởng được nhiều lợi ích hơn khi sống trong khu bảo tồn. Ở Vrystaat, Four Paws đã tiến hành thành lập một khu bảo tồn sư tử như thế với diện tích 1.200 hecta. Nhưng, không chỉ có sư tử chịu đựng đau khổ ở châu Phi. Hơn 80 con sư tử cũng đang phải sống trong những nhóm xiếc lưu động ở châu Âu. Do phải sống trong điều kiện giam cầm quá lâu cho nên sư tử không thể sống được nếu thả ra ngoài tự nhiên.