Số phận bức thư trị giá 1,3 triệu USD của Columbus

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) công bố họ đã trả lại Ý ấn bản gốc của bức thư do nhà khám phá Christopher Columbus viết từ thế kỷ 15.

Bản in của bức thư, trị giá hơn 1,3 triệu USD (30,7 tỷ VND), đã bị đánh cắp trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1988 từ Biblioteca Nazionale Marciana, thư viện công cộng lịch sử ở Venice (Ý). Columbus đã viết bức thư cho vua Ferdinand của Tây Ban Nha vào năm 1493 về những phát hiện của ông sau khi đến châu Mỹ.

Bức thư đã được các nhà điều tra liên bang Mỹ thu hồi vào năm 2020 tại thành phố Wilmington, bang Delaware với sự hỗ trợ từ văn phòng luật sư Delaware. Nó thuộc quyền sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân đến từ bang Texas, người đã mua nó vào năm 2003 từ một nhà buôn sách hiếm. Nhà sưu tập đã tự nguyện từ bỏ bức thư.

Số phận bức thư trị giá 1,3 triệu USD của Columbus ảnh 1

Bản in bức thư đã bị đánh cắp từ Biblioteca Nazionale Marciana ở Venice, Ý, khoảng từ năm 1985 đến 1988.

Giám đốc của ICE, ông Patrick J Lechleitner đã đến Rome vào ngày 19/7 để chuyển ấn bản bức thư gốc cho các quan chức Ý. “Tôi rất vinh dự được có mặt ở đây để chào đón sự trở lại của hiện vật quan trọng này với chủ sở hữu hợp pháp của nó - người dân Ý - và tôi muốn khen ngợi văn phòng điều tra của chúng tôi ở Rome vì sự hợp tác tuyệt vời của họ với các đồng nghiệp quốc tế, cũng như văn phòng Wilmington vì công việc phi thường của họ trong việc xác định, truy tìm, khôi phục và trả lại bộ sưu tập các bức thư của Columbus”, ông Lechleitner nói.

Bức thư, chính thức được gọi là bức thư Plannck I Columbus, được đặt theo tên của thợ in Stephan Plannck, người đã xuất bản một số bức thư của Columbus. Việc Columbus thông báo “khám phá” châu Mỹ đã có nhiều học giả tranh luận là không chính xác.

Columbus không phải là nhà thám hiểm nước ngoài đầu tiên đặt chân đến châu Mỹ”, Bảo tàng quốc gia người da đỏ châu Mỹ ở New York cho biết. “Cả ông và những người đi trước ông đều không phát hiện ra châu Mỹ – bởi vì người bản địa đã sinh sống ở bán cầu Tây hàng chục nghìn năm. Sự tiếp xúc của người châu Âu đã dẫn đến những mất mát nghiêm trọng về nhân mạng, truyền thống và đất đai của người bản địa châu Mỹ”.

Trong bức thư được viết bằng tiếng Latinh này, Columbus đã kể những phát hiện của mình về châu Mỹ vào tháng 3/1493 cho Vua Ferdinand, người cùng với Nữ hoàng Isabella đã hỗ trợ tài chính cho chuyến đi của ông.

Đây là ấn bản gốc thứ tư của bức thư này (trong số 30 bản gốc đầu tiên, đến nay đã thất lạc rất nhiều) bị đánh cắp trong vài thập kỷ qua. Ông Paul Needham, một chuyên gia về sách hiếm và từng là thủ thư tại Đại học Princeton (Mỹ), đã tiếp cận nhà chức trách Mỹ khi lần theo tung tích của ấn bản bị thất lạc. Ông Needham cho biết, ông đã từng nhìn thấy chính bức thư này một lần vào 21 năm trước, khi một người buôn bán sách đưa nó cho ông xem. “Tôi luôn lưu ý các bản sao của các bức thư Columbus, vì vậy tôi đã kiểm tra lại các bản ghi chép của mình. Ngay lập tức, tôi nhận ra bản sao này ở Texas có kích thước chính xác như bản sao đã bị đánh cắp từ thư viện Marciana”, ông Needham nói.

Ông Needham xác nhận đây là một trong những bản in gốc nhờ vào vị trí của các lỗ khâu khi nó được đóng trong một cuốn sách. Một bản sao hiếm hoi khác của bức thư do Columbus viết năm 1493 được tìm thấy trong Thư viện Quốc hội Mỹ, cũng do ông Needham kiểm tra. Bức thư đó đã bị đánh cắp từ thư viện Biblioteca Riccardiana ở Florence (Ý), nơi vô tình trưng bày một bản sao giả mạo cho đến khi Mỹ trả lại bản gốc vào năm 2016.

MỚI - NÓNG
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
TPO - Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 6/2024 trên địa bàn thành phố đã phát hiện 10.494 công trình vi phạm trật tự xây dựng.