Techfest là sự kiện thường niên do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội. Hội thảo giúp các thành phần tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế có thể liên kết chặt chẽ chia sẻ thông tin bổ ích thông qua các hoạt động diễn ra trong sự kiện, đồng thời khẳng định chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã được phát triển và lan rộng trên toàn quốc (Đề án 844) tạo nhiều cơ hội để các startup tiếp cận các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì phát triển các dịch vụ y tế online được xem là thị trường tiềm năng cho startup bởi y tế và chăm sóc sức khỏe luôn là lĩnh vực được sự quan tâm của xã hội thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi. Tuy nhiên, số lượng startup mạnh dạn đầu tư phát triển trong lĩnh vực này chưa nhiều. Một phần vì người dùng đã quá quen với việc sử dụng các dịch vụ y tế truyền thống mà còn e ngại chuyển sang những hình thức mới, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như Y tế.
Đến với Techfest nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức Làng Công nghệ Y tế Medtech, tọa đàm "Xu hướng chăm sóc sức khỏe trong tương lai" diễn ra với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề này đang được cả xã hội quan tâm.
Số hóa lưu trữ hồ sơ bệnh sử là một xu hướng tất yếu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Lễ khai mạc đưa ra “10 yếu tố cần hỗ trợ để cộng đồng khởi nghiệp bứt phá thành công”. Đặc biệt trong nghành y tế, Phó Thủ tướng cho rằng: “Từ trước đến nay, nước ta đã ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế như quản lý tài chính và nhân sự nhưng hoạt động này vẫn manh mún và không gắn kết với nhau. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn ít và các bệnh viện đều phải tự làm về công nghệ thông tin. Chính vì vậy, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế.”
Trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, tại các cơ sở y tế, theo phương thức lưu trữ truyền thống, các dữ liệu bệnh sử của người bệnh được thu thập thông qua ghi chép của nhân viên y tế vẫn lưu trữ dưới dạng sổ sách, giấy tờ. Điều này đặt ra những thách thức đối với hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc quản lý lượng dữ liệu khổng lồ về hồ sơ bệnh sử của người bệnh.
Trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, cùng với sự bao phủ rộng rãi của internet và những tiến bộ của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), người bệnh ngày càng có nhu cầu được tiếp cận nhiều hơn, theo cách linh hoạt và chủ động hơn với các thông tin về việc CSSK của họ. Mặt khác, khi chi phí CSSK ngày một gia tăng, nhiều người tin rằng bệnh nhân phải được tham gia nhiều hơn vào việc CSSK của họ, đóng vai trò chủ động trong việc quản lý các chăm sóc. Những điều này đã thúc đẩy sự ra đời của ứng dụng “Hồ sơ sức khỏe được kiểm soát bởi cá nhân”
Thí điểm một số dự án của nhà nước
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục QLKCB (Bộ Y tế): “Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia.”
Gần đây, từ đầu năm 2017, Bộ Y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội đã cho thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân tại: Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Phú Thọ. Theo đó, người dân được khám sức khỏe tổng thể, tất cả dữ liệu được nhập vào hệ thống trên mạng, tạo một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử riêng cho từng cá nhân thông qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như số điện thoại, số CMND, mã vạch.... Nhờ sổ sức khỏe điện tử này, người dân có thể quản lý và theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này ra cả nước, giúp thông tin sức khỏe của người dân được quản lý thông suốt trong hệ thống y tế thì các vấn đề về việc thống nhất mô hình và phần mềm chuẩn quốc gia, kinh phí cho việc thiết lập duy trì và phát triển hệ thống … vẫn còn là một bài toán nan giải, thách thức hệ thống y tế phải đối mặt, giải quyết.
Phóng viên đã có 1 vài câu hỏi nhanh cho đại biểu tham dự trong buổi hội thảo:
PV: Được biết My Health là 1 trong những công ty đầu tiên cung cấp giải pháp, lưu trữ, quản lý và chăm sóc sức khỏe dành cho cộng đồng, ngoài những ý tưởng hay thì khả năng thực thi những ý tưởng đó một cách hiệu quả nhất có phải là một thách thức cho riêng My Health và trong cộng đồng start up đang đà phát triển không?
Ông Nguyễn Thành Trung CEO Ứng dụng lưu trữ hồ sơ bệnh sử My Health : Thực tế chăm sóc sức khỏe cho thấy người dân vẫn loay hoay với chính bản đồ sức khỏe của mình, lưu trữ các kết quả bệnh sử và sức khỏe một cách rời rạc, thất lạc, khó tìm kiếm lại khi cần thiết, đó cũng là trăn trở lẫn ý tưởng cho các công ty về công nghệ như My Health. Để giải quyết những trở ngại đó, My Health giúp người dùng giải pháp lưu trữ miễn phí trọn đời, đồng thời tăng kiến thức hơn trong việc tìm kiếm thông tin y tế liên quan đến CSSK, hướng đến dân chủ hóa chăm sóc y tế, tăng tương tác, cung cấp thông tin sức khỏe của người bệnh đến các bác sĩ, từ đó thể giải thích chi tiết bệnh tật và điều trị cho bệnh nhân dưới hình thức trực quan hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung CEO Công ty TNHH MTV My Health
Thay vì sự tồn tại của nhiều bệnh án điện tử cho 1 cá nhân, sẽ chỉ có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử duy nhất cho mỗi cá nhân. My Health cam kết cho phép người dùng quản lý và lưu trữ toàn bộ các thông tin liên quan đến sức khỏe của bản thân kể từ khi sinh ra, bao gồm cả thông tin chủng ngừa, nhóm máu, tiền sử bệnh tật, kết quả khám chữa bệnh, đơn thuốc, hình ảnh chẩn đoán... các tài liệu này được lưu trữ tập trung và có hệ thống, dưới dạng bản chụp ảnh của tài liệu, trong một tài khoản truy cập online được sở hữu và quản lý bởi người bệnh trong suốt cuộc đời mà không phải trả chi phí. Nhờ vậy, người bệnh có thể dễ dàng mang theo các dữ liệu bệnh sử cá nhân để làm tham khảo cho nơi điều trị mới bất cứ khi nào cần thiết.
PV: Thưa ông, năm 2017 là năm quốc gia khởi nghiệp, chúng ta đã có một năm bùng nổ khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt , cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khởi nghiệp rất khốc liệt, đặc biệt trong lĩnh vực Y tế ,vậy My Health sẽ làm gì tiếp theo để tạo dấu ấn trong lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Thành Trung CEO Ứng dụng lưu trữ hồ sơ bệnh sử My Health: Đến với Techfest 2017 và đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp về lĩnh vực cssk, My Health được kỳ vọng sẽ trở thành một công cụ hữu ích giúp cộng đồng thay đổi thói quen về quản lý dữ liệu liên quan đến sức khỏe từ đó tăng cường năng lực tự chăm sóc sức khỏe của mình. Trong tương lai 5 năm nữa, sau khi đã phát triển được hệ sinh thái người dùng về quản lý sức khỏe, mỗi bản chụp về chỉ số sức khỏe sau mỗi lần thăm khám chính là cơ sở để hướng dẫn việc theo dõi và mang lại cho chính người bệnh nguồn thông tin cảnh báo về sức khỏe sớm nhất.
Từ những dữ liệu bệnh sử dạng hình ảnh của người dùng được lưu trữ xuyên suốt theo thời gian, My Health tiếp tục phát triển tích hợp công cụ như một bác sĩ ảo để giúp tầm soát phát hiện sớm một số bệnh thường gặp tại cộng đồng. Công cụ này sẽ giúp xử lý các thông tin sức khỏe dạng hình ảnh đang được lưu trữ thành dạng thức số hóa, qua đó đối chiếu với các tiêu chuẩn bệnh tật trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra dự báo sớm cho người dùng về xu hướng diễn biến sức khỏe và nguy cơ bệnh tật, đồng thời đưa ra các phản hồi hữu ích cho người bệnh về giải pháp CSSK cần thiết, qua đó, thúc đẩy các hành vi tự chăm sóc và phòng ngừa bệnh tật của cộng đồng. Công nghệ này cũng được xem như điểm nhấn quan trọng của My Health trong thời gian sắp tới.
PV: Được biết My Health tổng hợp các công nghệ xử lý phía người dùng trên nền tảng Web –base, iOS, Android, kết hợp với công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu trên máy chủ (server backend). Dưới góc nhìn của một người trong ngành, Ông đánh giá xu thế từ số hóa đến người dùng kết nối di động sẽ phát triển ra sao trong vòng 3-5 năm tới?
Ông Nguyễn Thành Trung CEO Ứng dụng lưu trữ hồ sơ bệnh sử My Health : Nghiên cứu mới nhất do Vibiz.vn vừa công bố đến cuối năm 2016 cho thấy, 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet. Bên cạnh những lợi ích rõ rệt của việc ứng dụng y tế điện tử (e-health), y tế di động (m-health) đang hỗ trợ đắc lực cho nhiều quốc gia. Việc tận dụng những ưu điểm của mô hình mobile app hoàn toàn là giải pháp tiềm năng đáng cân nhắc. My Health cũng góp phần vận dụng sáng tạo triệt để các công nghệ này để hướng tới các giải pháp thông minh, nhỏ gọn nhưng đầy tiện ích.
Khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin luôn nằm trong top đầu khu vực, có thể thấy My Health đưa ra ý tưởng không quá cao siêu, nó xuất phát từ thực trạng và sức khỏe của chính con người, My Health được kì vọng có thể trở thành một hệ sinh thái thu nhỏ, như một nơi chứa đựng các giải pháp, tri thức về y tế nhằm phục vụ CSSK cho con người một cách tốt nhất.