Sở GD&ĐT Hà Nội phản hồi vụ 63 giáo viên tố bị 'xù' tiền học thạc sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi cơ quan báo chí liên quan đến phản ánh 63 giáo viên tố bị "xù" tiền hỗ trợ đào tạo học thạc sĩ vào năm 2019.

Nội dung văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội thể hiện, thực hiện Quyết định số 3381/QĐ-UBND ngày 29/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phân bổ chỉ tiêu đi học sau đại học bằng nguồn kinh phí của thành phố, hằng năm, Sở GD&ĐT đều cử cán bộ quản lý và giáo viên đi học sau đại học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ của ngành.

Sở cũng cho biết, theo Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/1/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo sau đại học của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố giai đoạn 2019 - 2020, năm 2020, Sở GD&ĐT được giao 80 chỉ tiêu cán bộ, giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố.

Sở GD&ĐT Hà Nội phản hồi vụ 63 giáo viên tố bị 'xù' tiền học thạc sĩ ảnh 1

Cô giáo Từ Thị Thoa - một trong số 63 giáo viên không được hưởng hỗ trợ đào tạo học thạc sĩ dù được Sở GD&ĐT Hà Nội cử đi học vào năm 2019. Ảnh: NVCC.

Căn cứ tiêu chuẩn theo quy định, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thu hồ sơ, xét chọn 63 cán bộ quản lý và giáo viên trúng tuyển sau đại học năm 2019 đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.

Ngày 14/2/2020, Sở GD&ĐT có Công văn số 462/SGDĐT-TCCB về việc cử viên chức đi học sau đại học năm 2019 bằng nguồn kinh phí của thành phố kèm theo danh sách trích ngang của 63 người và 63 hồ sơ gửi Sở Nội vụ.

Trong công văn này, sở đề nghị Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét và cho phép 63 viên chức có tên trong danh sách được cử đi học sau đại học bằng nguồn kinh phí của thành phố.

Theo như trả lời của Sở GD&ĐT, năm 2020, cơ quan này mới được thành phố giao chỉ tiêu, nhưng trong năm 2019, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký quyết định cử 63 giáo viên đi học theo diện được hỗ trợ kinh phí đào tạo.

"Đối với 63 trường hợp là cán bộ quản lý và giáo viên nêu trên (cử đi học năm 2019 - PV) chưa được UBND thành phố quyết định cử đi học. Do đó, không thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học từ nguồn quỹ", văn bản của Sở GD&ĐT nêu.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Sở Nội vụ Hà Nội cũng thông tin: Quyết định cử giáo viên đi đào tạo sau đại học của UBND thành phố là "căn cứ pháp lý" để Quỹ ưu đãi và khuyến khích đào tạo tài năng thành phố Hà Nội chi trả kinh phí hỗ trợ.

Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định, 63 giáo viên là viên chức của Sở GD&ĐT chưa được UBND thành phố quyết định cử đi học, do đó không thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học từ nguồn Quỹ ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng thành phố Hà Nội.

Năm 2019, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành nhiều quyết định về việc cử 63 giáo viên thuộc nhiều trường THPT trên địa bàn đi học thạc sĩ.

Sau khi hoàn thành khóa học và hoàn tất hồ sơ, mới đây, 63 giáo viên thuộc diện được Sở GD&ĐT Hà Nội cử đi học thạc sĩ rất bất ngờ khi được sở cho biết họ không được UBND thành phố quyết định cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo theo quy định.

"Trong quá trình học tập, chúng tôi phải chi một khoản tiền khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Giờ Sở GD&ĐT chỉ trả lời chúng tôi rằng không được hỗ trợ vì thành phố không cấp kinh phí khiến chúng tôi vô cùng hoang mang, hụt hẫng", đại diện 63 giáo viên trình bày.

MỚI - NÓNG
Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN. Ảnh minh họa: Như Ý
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng
TP - Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.