Sinh viên xẩm giỗ tổ

Sinh viên xẩm giỗ tổ
TP - Lễ giỗ tổ Xẩm năm nay có phần đông vui hơn mọi năm bởi lực lượng diễn viên trẻ tăng đột biến, bao gồm gần 20 sinh viên khóa đầu tiên của lớp Cử nhân đàn và hát dân ca do Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam phối hợp Học viện Âm nhạc Quốc gia Huế tổ chức.

Đây cũng là dịp để Trung tâm cáo yết tổ nghề rằng xẩm nay đã bước vào cổng trường Đại học.

Tương truyền, ông tổ xẩm là Thái tử Trần Quốc Đĩnh đời nhà Trần bị anh ruột hãm hại đẩy vào rừng sâu, đâm mù mắt. Được những tiều phu cứu, ông chế ra cây đàn song huyền và lối hát xẩm. Theo nhà nghiên cứu Thao Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam- đàn song huyền có một dây làm bằng dây của cây song, nhiều khả năng gần với loại nhạc cụ còn sử dụng trong hát trống quân ngày nay; còn từ “xẩm” có lẽ miêu tả tình trạng thị lực của người trình diễn. Ngày giỗ tổ xẩm 22-2 ÂL chính là ngày Thái tử được phát hiện ra và đưa về hoàng cung. Từ đó ông truyền bá lối hát xẩm cho dân chúng.

Thời trước, mỗi năm đến ngày giỗ tổ, dân hát xẩm cả miền Bắc lại nhắn nhau tụ về một địa phương để tổng kiểm kê làn điệu, báo cáo thành tích đào tạo, hỗ trợ nhóm nào quá nghèo hoặc mới vào nghề, bầu ông trùm… Ông trùm Nguyên ở Hà Nội là trùm xẩm cuối cùng. Ông cũng là người sáng chế ra loại hình Xẩm Nhà tơ, tức là xẩm nhưng chuyên hát trong nhà, lời dùng nhiều điển tích điển cố, thường là thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính... Ông Thao Giang cho hay, trùm Nguyên có 11-12 vợ. Còn NSƯT Hà Thị Cầu nghe đâu là vợ thứ 18 của ông Chánh Chương Mậu ở Ninh Bình. “Các ông trùm, ông chánh… nhiều vợ thế thì không thể nghèo được”, ông Giang lý luận.

Trong chương trình biểu diễn tại lễ giỗ tổ Xẩm sáng 14-3, cả dàn nữ cầm mic hát, nhưng cất lên lại là chất giọng khó lẫn của NSƯT Thanh Ngoan. Các tiết mục khác xem ra diễn viên đều hát thật và hát hết mình. Trước đây, các tiết mục của Trung tâm biểu diễn ở chợ Đồng Xuân cũng đa phần hát nhép. Ông Giang lý giải: “Vì mình không phải đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp. Nên từ đầu mình đã nói luôn với Sở Văn hóa, đây là chúng tôi công bố những công trình nghiên cứu. Chúng tôi từng xin Cục NTBD cấp kinh phí, họ bảo mình không phải đơn vị biểu diễn nên không cho được. Cuối cùng, chúng tôi phải tự bỏ tiền mua âm thanh máy móc. Bộ âm thanh của một nhà hát có khi hàng tỷ, đây chưa đầy trăm triệu, hát (thật) cái gì!”

Theo truyền thống của xẩm, khán giả cho tiền diễn viên tại chỗ. Tiền thưởng dao động từ 10 đến 100 nghìn/lần. Tiền và hoa thường được để trong cái nón trên sân khấu. Một trong những tiết mục thành công trong chương trình biểu diễn giỗ tổ cả về nghệ thuật lẫn tiền “boa” là Theo Đảng trọn đời (NSƯT Hà Thị Cầu viết lời trên làn điệu Thập ân) do Thu Phương- sinh viên kiêm nhân viên Trung tâm trình bày. Ngoài hát xẩm, sinh viên như Phương còn được học Trống quân, Quan họ, Ca trù và Hát văn. Tuần hai tối, Phương dạy quan họ cho CLB của cụm dân cư gần đình Hào Nam, nơi cô ở trọ.

Ngồi ngay hàng đầu, một cụ bà lúc nào cũng lăm lăm tờ tiền trong tay, chực lên cho diễn viên. Bà là võ sư Lương Dung Nga, 88 tuổi, nguyên thiếu tá tình báo. “Vào khoảng 1940-41, người ta thưởng hát xẩm độ 5 chinh Bảo Đại,” bà cho hay. Bà Nga sinh ở Hàng Đào, trong gia đình nhà giáo nhưng lại có truyền thống mê nhạc. Nhà bà còn đào hố ở sau nhà để tổ chức hát trống quân. Thuở bé, bố cũng quật bà mòn mấy cái roi mây vì tội mê hát. Giờ bà chuyển về Hào Nam. Khi hội xẩm của nhạc sĩ Thao Giang xin đặt trụ sở ở đình Hào Nam, bà là người ủng hộ đầu tiên. Nghe xẩm hôm nay, bà nhận xét: “Cả xẩm, cả trống quân, chất liệu vẫn y xì, nhưng lời văn trau chuốt bay bướm hơn xưa.” Ca sĩ Thái Thùy Linh cũng đến giỗ tổ và cho biết sắp sửa xin vào Trung tâm học hát xẩm.

Gần đây, dường như có nghệ thuật dân tộc nào được quốc tế tôn vinh rồi, thì trong nước cũng quan tâm hơn. Ông Giang phát biểu: “Tôi thì lo nhất trong nước không quan tâm. Nghệ thuật nào nhân dân sáng tạo ra thì cũng sẵn sàng nuôi dưỡng. Chúng ta thừa hưởng mà làm không ra gì nhân dân sẵn sàng loại bỏ. Chúng ta cứ bảo quý mà nhân dân không nghe là chết. Chúng tôi rất tự hào được nhân dân nuôi dưỡng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG