Sinh viên sư phạm lại 'ngóng' hỗ trợ sinh hoạt phí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo quy định, sinh viên học sư phạm nếu kí cam kết sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí. Vậy nhưng, từ việc đáng lẽ nghiễm nhiên được nhận thì sinh viên luôn phải chầu chực đợi khoản hỗ trợ này.

Lường Văn Hoàng, sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ, ngay từ lần đầu nhận hỗ trợ 6 tháng (khoảng cuối học kì I năm học 2022 - 2023) đến nay (đã kết thúc học kì I năm thứ 2), Hoàng chưa được nhận đợt hỗ trợ thứ 2. “Sinh viên mong chờ lắm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thời gian qua, bố mẹ em cố gắng một phần, còn lại vay trước để lo cho em ăn học”, Hoàng nói.

Sinh viên sư phạm lại 'ngóng' hỗ trợ sinh hoạt phí ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024

Ảnh: Duy Phạm

Tương tự, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và các trường đa ngành có đào tạo sư phạm cũng chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí 7 tháng qua. Con số sinh viên ngóng tiền hỗ trợ lên đến hàng nghìn. Trường ĐH Sư phạm TP HCM có khoảng 2.450 sinh viên khóa 2021 và 2022 chưa được nhận 6, 7 tháng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Tổng số tiền là gần 60 tỷ đồng. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng tương tự.

Theo Nghị định 116, từ năm 2021, sinh viên ngành sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường. Số chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hằng năm do Bộ GD&ĐT quy định.

Theo Bộ GD&ĐT, phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ không thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật. Sinh viên đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu được chi trả kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp có thể không trúng tuyển vào công tác trong ngành giáo dục của địa phương. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí của địa phương nào thì chỉ dùng để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.

Năm trước, sinh viên học ngành Sư phạm, Trường ĐH Thủ Đô phải kêu cứu vì không được nhận khoản hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Nghị định 116. Đến năm nay, lãnh đạo nhà trường khẳng định kinh phí đã được UBND TP Hà Nội cấp đầy đủ nên không còn tình trạng nợ sinh hoạt phí cho sinh viên. Nhưng với các trường Sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT thì năm nay lại đang nghẽn.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 khẳng định văn bản giao dự toán bổ sung giải quyết trọn vẹn tồn đọng Nghị định 116 đã về đến trường; chậm nhất là tuần đầu của tháng 1/2024, sinh viên các ngành sư phạm của trường nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Trước Tết Nguyên đán, sinh viên sư phạm sẽ nhận được kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 116.

Cần gấp rút ban hành nghị định thay thế Nghị định 116

Hiện tại, Nghị định 116 vẫn đang chờ được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế. Đây vốn là một chính sách có ý nghĩa nhân văn vừa giải quyết vấn đề thiếu giáo viên vừa thu hút được đội ngũ sinh viên giỏi đến với nghề giáo. Nhưng khi triển khai, nghị định vừa khó thực hiện đối với các trường sư phạm, vừa không ràng buộc được trách nhiệm của địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, địa phương nào cũng thiếu giáo viên nhưng thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, chỉ có 23/63 địa phương đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên, tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ qua diện này chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Hơn 75% số còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Bộ GD&ĐT.

Sở dĩ địa phương không mặn mà đặt hàng do chính sách này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Vậy nhưng thực tế không có cơ chế ràng buộc giữa các thí sinh với địa phương chi tiền hỗ trợ. Ngoài ra, kể cả quay về, sinh viên vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển. Câu chuyện của Thanh Hóa vừa qua là một ví dụ điển hình khi tỉnh này chi tiền đào tạo sinh viên sư phạm (hệ chất lượng cao tại Trường ĐH Hồng Đức) nhưng gặp vướng mắc tại quy định tuyển dụng.

Chính vì vậy, kinh phí hỗ trợ trồi sụt nên các trường cũng khó ăn nói trước chất vấn của sinh viên. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết phải làm công tác tư tưởng, động viên sinh viên qua nhiều kênh để các em chia sẻ với khó khăn chung. Những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách, nhà trường sử dụng nguồn lực ít ỏi để hỗ trợ trước một phần. Trường Đại học Quy Nhơn cũng đang tạm ứng kinh phí để chi trả một phần hỗ trợ cho sinh viên.

Có 6 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần nhỏ, trong đó có 2 trường sư phạm lớn nhất nước là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Hằng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% số kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GD&ĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo, dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, do sự phát triển không đồng đều, chênh lệch điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

MỚI - NÓNG