Sinh viên mắc lừa thêu tranh thuê

TP - Nhiều bạn sinh viên đi làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng khi tìm thông tin việc làm trên mạng xã hội đã có không ít người mắc lừa.

Hiện trên mạng xã hội có nhiều tài khoản đăng tin tuyển dụng người thêu tranh thuê. Đây là một việc làm khá thu hút sinh viên bởi tiện lợi, linh hoạt về thời gian, địa điểm. Các bạn trẻ có thể tranh thủ làm tại phòng trọ những lúc rảnh rỗi, không mất công đi lại, cũng ít ảnh hưởng tới việc học tập. Tiền công thêu tranh thường phụ thuộc vào kích thước của tranh mà dao động từ khoảng 100 nghìn đến 2 triệu đồng.

Để lấy tranh thêu về, các nhà tuyển dụng thường yêu cầu sinh viên để lại giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ sinh viên…); thậm chí có nơi còn phải đặt cọc lại tiền tương đương hoặc gấp 1,5 lần giá trị của tranh thêu đó. Vì cả tin, nhiều sinh viên đã bị lừa lấy tiền đặt cọc.

Sinh viên mắc lừa thêu tranh thuê ảnh 1

Bức tranh sinh viên Nguyễn Thị Duyên (Đại học Công đoàn) nhận thêu và bị lừa.

Sinh viên Nguyễn Thị Duyên (Đại học Công đoàn) bức xúc: “Mình dại khi tin vào việc nhận thêu tranh đặt cọc tiền thông qua mạng xã hội. Khi nhận tranh ở Phạm Ngọc Thạch, lúc trả tranh lại ở Vương Thừa Vũ. Không biết rõ địa chỉ cửa hàng ở đâu. Rồi họ lấy cớ không có người kiểm tra, để mai rồi kiểm tra tranh sau... Vài ngày sau, mình gọi lại bảo tranh bị đục lỗ, thêu xấu không nhận. Trong khi ai cũng khen tranh thêu đẹp, cẩn thận. Kiếm ra một đồng đã khó, sao người ta nỡ lừa tiền của sinh viên như vậy”.

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng tranh thêu San San (Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng mình thuê người thêu tranh cũng yêu cầu đặt cọc tiền trước nhưng phải làm hợp đồng vừa để lấy thông tin người nhận vừa để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. Thông qua hợp đồng cùng thực hiện cho tốt. Nhưng gần đây cũng xuất hiện các nhóm lừa đảo lừa sinh viên tiền đặt cọc. Bạn nào có nhu cần làm thêm cần đến những cơ sở có địa chỉ rõ ràng, uy tín, kẻo tiền mất, tranh cũng không bán được”.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia về việc làm Đỗ Trọng cho biết, sinh viên đi làm thêm là để trải nghiệm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Hiện các bạn trẻ phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội nên dễ bị lừa. Những thông tin đăng tải, tuyển dụng, tìm việc làm… không thể phân biệt được thật hay giả. Chỉ cần đăng ký nhận thêu tranh, sẽ được giao tranh tận nơi. Nên các bạn sinh viên có khi còn không biết địa chỉ của cửa hàng, chủ cửa hàng là ai. Hay có trường hợp nhận tranh ở địa chỉ này rồi trả tranh lại ở địa chỉ khác…

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, các bạn sinh viên khi có nhu cầu làm thêm nên tìm hiểu kỹ càng thông tin. Các bạn sinh viên nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để được hỗ trợ, giúp đỡ, tránh bị lừa đảo.

MỚI - NÓNG