Sinh viên Harvard 'hiến kế' tổ chức sân chơi thể thao
> Từ sinh viên Harvard bỏ học trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới
> Đại học Harvard: Lò đào tạo quan chức Mỹ
Một nhóm sáu sinh viên đang theo học thạc sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) đã đến TP.HCM “hiến kế” cho Công ty Saigon Sports Acadamy (SSA) tổ chức Giải thể thao sinh viên VN sẽ khởi tranh vào tháng 3.
Nhóm sinh viên Harvard cổ vũ cho đội bóng rổ Saigon Heat trận gặp Westsports Dragons (Malaysia) ở nhà thi đấu Tân Bình (TP.HCM) tại Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á hôm 12-1. Ảnh: Tấn Phúc. |
SSA đã có ý tưởng tổ chức Giải thể thao sinh viên VN trong hai tháng (từ tháng 3 đến 5-2013) dành cho 23 đội đến từ các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và Hà Nội với ba môn bóng rổ, bóng chuyền và nhảy đối kháng.
Từ thâm nhập thực tế, tôi nhận thấy thể thao sinh viên VN có nhiều cơ hội phát triển. Nhưng các bạn còn phải làm rất nhiều việc để sinh viên đam mê thể thao nhiều hơn PATRICK DUNAGAN - Sinh viên Trường Harvard |
Giám đốc SSA Connor Nguyễn cho biết: “Ở Mỹ, sinh viên rất yêu thích những giải đấu thể thao thuộc Hiệp hội Thể thao các trường đại học quốc gia Mỹ (NCAA). Ở giải đấu này, các trường thành lập đội bóng rổ, bóng chày, bóng đá... thi đấu với nhau.
Tôi từng đến sân thi đấu của Đại học Harvard xem một trận thi đấu bóng đá. Đại học Harvard chỉ có khoảng 20.000 sinh viên, nhưng hôm ấy sân thi đấu ngoài trời với sức chứa 60.000 người đã không còn một chỗ trống. Tôi muốn sinh viên VN có một sân chơi như thế. Mục tiêu chính của Giải thể thao sinh viên VN là khơi gợi tình yêu của sinh viên đối với ngôi trường họ đang theo học thông qua thể thao”.
SSA đã gửi dự án của họ đến Trường Harvard và sau hơn hai tháng, thông qua những cuộc điện thoại, email... SSA đã thuyết phục được nhóm sinh viên Harvard đến VN giúp họ tổ chức giải đấu.
Nhiệm vụ của nhóm sinh viên này là gặp gỡ và nghe các sinh viên VN chia sẻ những câu chuyện thể thao học đường, giá trị thể thao trong đời sống sinh viên...
Nhóm sinh viên Harvard cũng tham quan một số nhà thi đấu, sân chơi thể thao ở các trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học RMIT, Đại học Công nghiệp TP.HCM. Trước khi trở về Mỹ, họ sẽ đưa ra ý tưởng và lời khuyên để SSA có thể tổ chức thành công Giải thể thao sinh viên VN.
Giáo sư Alan D. Maccormack - chủ nhiệm khoa thực tế bản địa Đại học Harvard - nói với Tuổi Trẻ: “Tôi rất thích thú ý tưởng táo bạo của SSA và đề tài này mang đến nhiều thử thách cho sinh viên của chúng tôi. Cái khó là chúng tôi không thể áp dụng các mô hình của Mỹ mà phải tìm hiểu kỹ cơ sở thể thao, nền văn hóa VN... trước khi đưa ra những lời khuyên dành cho SSA”.
Giáo sư Alan cho biết sau những cuộc thảo luận, nhóm nghiên cứu nhận thấy người VN rất yêu thể thao nhưng công tác tổ chức hoạt động thể thao chưa có sự kết hợp giữa thể thao và giải trí. Những nhà tổ chức chưa biết kéo người dân đến sân để trải nghiệm không khí thi đấu cùng gia đình, bạn bè thay vì chỉ xem qua truyền hình.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp những ý tưởng làm tăng tính giải trí của thể thao sinh viên và phát triển khả năng quản lý”.
Mọi chi phí của chuyến đi đều do Đại học Harvard tài trợ. Ông Connor Nguyễn cho biết: “Hơi tiếc là thời gian sinh viên Harvard làm việc tại VN quá ngắn (chỉ chín ngày) nên những đóng góp của họ cũng giới hạn. Tuy nhiên, sự có mặt của họ cũng đủ để thuyết phục mọi người rằng chúng tôi đang làm việc rất nghiêm túc. Và tôi cho rằng điều đó rất quan trọng bởi niềm tin chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này”.
Sau quá trình thuyết phục ban giám hiệu các trường dự giải và lắng nghe ý tưởng đóng góp của nhóm sinh viên Harvard, SSA đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để giải khởi tranh. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là ông Connor Nguyễn tiết lộ việc kiếm tài trợ cho giải thể thao sinh viên dễ hơn nhiều so với thể thao chuyên nghiệp.
Ông Connor Nguyễn phân tích: “Thể thao sinh viên mang tính cộng đồng nhiều hơn và sinh viên chính là đối tượng làm chủ đất nước sau này nên được nhiều doanh nghiệp để ý đến. Vấn đề là phải làm thế nào thuyết phục được các doanh nghiệp hiệu quả thật sự khi họ đầu tư cho giải.
Khi tiền không còn là vấn đề quá lớn, trong năm đầu tiên chúng tôi dự định hỗ trợ 90% chi phí thi đấu cho các đội, nhưng sẽ giảm dần từng năm. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ hết lỗ sau hai năm.
Khi đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ lại các trường đầu tư vào nhà thi đấu, hoạt động thể thao để trực tiếp nâng cao chất lượng giải và sau đó là mở rộng giải”.
Hi vọng với sự giúp đỡ của nhóm sinh viên đến từ đại học danh tiếng Harvard, cùng với sự quyết tâm của ban lãnh đạo SSA, sinh viên VN sẽ có thêm một sân chơi thể thao ý nghĩa và bổ ích.
Theo Tấn Phúc
Tuổi Trẻ