Theo khung giờ mới, lịch học của sinh viên HK182 sẽ bắt đầu từ 6h sáng, học liên tục và kết thúc vào lúc 22h. Cụ thể, trường ĐH Bách khoa TPHCM chia lịch học này ra thành 3 ca gồm ca sáng, chiều và tối. Mỗi tiết học kéo dài 50 phút, với ca sáng và chiều có nghỉ giải lao 10 phút giữa các tiết, riêng ca tối không có giờ nghỉ giải lao.
Đặc biệt, khung giờ trưa và tối cũng không có giờ nghỉ giai lao mà tất cả thời gian đều kín.
Hoàng Tâm, sinh viên của trường cho biết, với lịch học thế này thì sinh viên và giảng viên sẽ phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị và trở về nhà khi trời đã về đêm. "Lịch học thế này là quá dày đặc, hầu như không có giờ nghỉ ngơi và kể cả giờ ăn cơm trưa. Em hy vọng trường xem xét điều chỉnh để hợp lý hơn", Tâm nói.
Trong khi đó, Lê Hoa sinh viên của trường cho rằng, nhà trường bố trí lịch liên tục thế này cũng có phần tốt là giúp sinh viên học liền mạch, kết thúc chương trình sớm để có thể làm được nhiều việc khác như đi làm thêm, nghỉ ngơi... "Song, lịch học thế này cũng khá nặng, đó là còn chưa kể đến việc đăng ký tín chỉ, nếu giữa các môn không khớp nhau thì sinh viên không có đủ thời gian để di chuyển qua lớp khác...", Hoa nói.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng, việc xếp lịch học từ 6h sáng nhằm đề phòng trường hợp cần thiết, mang tính sẵn sàng của nhà trường. Như vậy khi có trường hợp đặc biệt thì có cơ sở pháp lý này để nhà trường làm việc chứ không phải áp dụng thực tế.
Theo ông Thắng, hiện nay giờ học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bắt đầu là 6h30 nhưng sắp tới sẽ bắt đầu từ 7h sáng nên sinh viên hãy yên tâm.
"Về mặt kỹ thuật chúng tôi cho rằng các khung giờ cách nhau 1 tiếng đồng hồ sẽ rất dễ nhớ, sinh viên, cũng không nhầm giờ. Khi nhà trường xếp lùi thời gian như vậy để sinh viên có thể học tối đa 1 buổi 5 tiết. Hiện nay có sinh viên đăng ký học 6 tiết/buổi rồi một buổi về ngủ như vậy không hiệu quả"- ông Thắng giải thích.
Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho hay, hiện nay sinh viên nhà trường học trung bình 34-35 tín chỉ/ năm. So với các trường kỹ thuật khác, số lượng tín chỉ này không nhiều hơn. Tuy nhiên có thể do chương trình đào tạo của bách khoa có nhiều tiết thí nghiệm, thực hành, làm đồ án nên sinh viên cảm thấy nặng nề hơn. Ông Thắng khẳng định việc sắp giờ này nhằm tạo cho sinh viên 1 cơ hội để học tập tốt hơn.