PG phân làm nhiều tầng lớp mà chỉ có dân trong nghề mới biết. Cực nhất là PG quảng cáo vì phải làm những công việc như đạp xe trên phố, phát sản phẩm tiếp thị...
Những PG “hiền” vốn chỉ đứng ở gian hàng trong siêu thị hay hội chợ. Lương của những PG này khoảng 200.000/ngày cho 3-5 giờ làm việc. Nhưng với nhiều nữ sinh viên có ngoại hình tốt, các bạn thường không để mắt đến các chương trình bình thường mà nhắm vào các chương trình “xịn” với khoản lương hậu hĩnh hơn.
Khâu tuyển chọn của một PG cao cấp vô cùng khắt khe. Số lượng tuyển cho mỗi chương trình cũng chỉ từ 3-7 người. Để được truyển, PG không những phải gửi ảnh để qua vòng loại, mà còn đến tận nơi phỏng vấn thử đồ, thử cách đi lại giao tiếp rồi mới chính thức được nhận vào làm.
“Nhìn vào bảng yêu cầu tìm PG của các đối tác viết cho quản lý mà mình không khỏi giật mình với các cụm từ: chân phải dài, cao trên 1m65-không giày cao gót, tóc không nhuộm, không hình xăm... Nhiều buổi đi gặp gỡ bị sự dò xét từ trên xuống dưới chẳng khác gì mình đang là hàng hóa. Những lúc ấy mình thấy công việc PG cao cấp-lương cao trở nên “thật rẻ”, một bạn PG cao cấp chia sẻ. |
Thùy Anh (ĐH Sài Gòn) cho biết: “Chiều cao chuẩn của PG cao cấp phải từ 1m63 trở lên mới có cơ hội được tuyển. Tuyển rồi cũng chưa chắc nhận việc do bên quản lý còn gửi ảnh cho bên chủ chương trình. Khi nào chủ chương trình vừa mắt thì mới chắc chắn đi làm”.
Cũng theo Thùy Anh, kén nhất là các showroom quảng cáo xe hơi, mô tô luôn đòi hỏi lượng PG “chân dài” nhằm hút khách. Đổi lại PG được trúng tuyển những chương trình này có lương cao gấp ba lần PG bình thường.
Một chương trình kéo dài 1 tuần mỗi PG cao cấp có thể thu về 3-5 triệu đồng. Nhiều PG siêng chạy show nhiều nơi cuối tháng có thể kiếm được hơn 10 triệu.
Với mức thu nhập “khủng” như vậy, khiến các buổi casting PG cao cấp luôn đông nghẹt không kém gì những buổi tuyển diễn viên cho các phim truyền hình.
PG cao cấp khác PG bình thường ở chỗ các bạn thường làm việc theo nhóm và có một “súp” quản lý. Cứ có show là “súp” sẽ gọi cho PG trong đội của mình chứ không cần casting như khi mới vào nghề.
Thu Hằng (ĐH Giao thông Vận tải) kể lại: “Mỗi lần quản lý gọi điện rủ đi ăn sẵn ra mắt đối tác là biết sắp có show. Đi ăn chỉ là cái cớ để cho bên kia xem mặt chọn dáng mà thôi”.
PG cao cấp bị ảnh hưởng rất nhiều từ đối tác nên thường các bữa ăn, gặp gỡ các PG dốc hết sức lấy lòng các đối tác. Với thu nhập khủng nên đời sống của PG cao cấp cũng không thua gì hot girl với điện thoại xịn, quần áo mỹ phẩm đắt tiền.
Thảo Vy (ĐH Sài Gòn) mới từ PG “hiền” chuyển sang “cao cấp” cho biết: “Nhiều chương trình rất đơn giản mà kiếm bộn tiền như chỉ cần xuất hiện vài phút đón một ông chủ tập đoàn nọ đi cano đến. Ngồi chơi cả buổi, cuối giờ lên trao giải cho người chiến thắng cũng nhận được 500k/ngày chưa tính đến tiền tip”.
Phương Trang (ĐH Huflit) thì nhận công việc mỗi ngày đứng làm cảnh 3 tiếng cạnh DJ của quán Bar, lương tháng thu về 8 triệu đồng. Bên cạnh việc đứng cho đẹp đội hình PG ở các quầy Bar, nhạc sống còn có thể làm thêm việc hát nhép, ăn mặc đẹp, nhún nhảy.
Mức lương cao nghĩa là bạn phải “biết điều”
PG cao cấp thường bị mang tiếng chảnh và chơi theo nhóm. Nhiều cô bạn có ngoại hình xinh xắn, đoạt giải hoa khôi các trường ĐH thì càng đắt show hơn trong nghề.
Luật im lặng cũng được áp dụng giữa các PG với nhau về những buổi mời đi ăn sau giờ làm với đối tác.
“Mức lương cao nghĩa là bạn phải “biết điều” đôi chút. Không được từ chối khi chủ chương trình mời. Đây là điều mà chính quản lý sẽ dặn trước PG khi nhận việc”. Ngọc Ngân (ĐH KHXH&NV TP.HCM) một trong những PG cao cấp bộc bạch.
Nhìn bề ngoài, những PG cao cấp chỉ đến những nơi sang trọng nên nhiều bạn trẻ mới vào nghề cho rằng sẽ không có nhiều rủi ro từ nghề này, nhưng thực tế lại khác hẳn.
Thùy Linh, ĐH Kinh tế từng làm PG xe hơi tại một nhà hàng 5 sao có tiếng trong thành phố kể: “Phần lớn những khách đến đây đều là những người giàu có nhưng cũng có không ít người khiếm nhã, lấy cớ chụp hình chung để giở trò với các PG nữ. Lỡ nhận show nên ai cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cũng có những show, chủ chương trình còn bày thêm trò buộc PG phải làm để hút khách với những cảnh PG uốn éo trên xe tạo kiểu chụp hình”.
Những rủi ro thường gặp
Với một môi trường phức tạp và lý lịch cá nhân bị công khai khá nhiều từ khâu gửi hồ sơ. Nhiều PG mới vào nghề chưa tìm được quản lý phải tìm việc bằng cách đọc tin tức tuyển người trên cộng đồng PG online rồi và gửi lý lịch đi làm.
“Nhận được show thì mừng chứ ít ai khởi đầu mà biết được quản lý tốt xấu, công việc an toàn hay nguy hiểm. Chợ PG trên mạng xã hội chẳng khác nào nơi buôn bán ngã giá, được thì làm, làm riết mới quen biết và kiếm được show “xịn”. Vài người chưa kinh nghiệm thấy lương cao nhào vô đến ngày đi làm mới biết đây là công việc làm thâu đêm. Ngoài ra, PG cao cấp cũng bị bóc lột nhiều từ chính quản lý. Tuy lương PG được nhận cao nhưng giá thật đã được quản lý lấy mất 30-50%”, Phương Trang (ĐH Huflit) cảnh tỉnh.
Trong những câu chuyện kể của PG cao cấp, chuyện những cô nàng cặp kè đại gia cũng được các cô nàng hay nhắc tới.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các PG cao cấp, nhiều tay đại gia “cộp mác” lừa đảo cũng hay lượn lờ tại các chương trình với mã ngoài giàu có, mời các PG đi chụp ảnh, ăn uống.
Và khi không đạt được mục đích thì họ đeo bám trêu chọc, thậm chí còn hăm dọa. Vì vậy, các PG cao cấp thường che dấu công việc của mình, ít công khai với bạn bè vì sợ bị hiểu lầm.
Tuy nhiên, vì mức lương “rất khủng” nên nhiều nữ sinh viên có ngoại hình vẫn dấn thân vào con đường này bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập quanh mình.
Theo Một thế giới