Sinh viên chuẩn bị “thâm nhập” thị trường lao động theo một cách mới

0:00 / 0:00
0:00
Thay vì việc tham gia những kỳ thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp, những chương trình trao đổi hay những công việc làm thêm trong thời gian nghỉ hè, hầu hết các bạn sinh viên năm nay đều dành thời gian ở nhà sau một kỳ học nhiều biến động vì Covid-19. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên lại coi đây là thời gian vàng để tạo bàn đạp trước khi ra trường, tích cực kết nối với chuyên gia nhằm trau dồi kinh nghiệm và khả năng thực chiến.

Là sinh viên năm 4, Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế của đại học Ngoại thương, nhưng bạn Nguyễn Thị Huyền lại có niềm yêu thích và đam mê đặc biệt với khối ngành Nhân sự. Ngay khi nhận được thông tin về chương trình “Cố vấn nghề nghiệp – DynaGen Mentoring”, Huyền đã nhanh chóng đăng ký tham gia để có một định hướng rõ ràng về con đường nghề nghiệp của bản thân, tiếp cận nhiều cơ hội, môi trường trải nghiệm thực tế về ngành nghề mình đang quan tâm thông qua hoạt động kết nối Mentor (Cố vấn) - Mentee (Người được cố vấn). Trước đó, Huyền đã là một sinh viên của Sáng kiến hỗ trợ sinh viên - DynaGen Initiative - chương trình lớn và dài hạn do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng, nhằm phát triển tài năng trong sinh viên và hỗ trợ sinh viên - thanh niên lập thân/lập nghiệp thông qua hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, thực tập/thực hành,...

DynaGen Mentoring được tổ chức dựa trên sự hợp tác giữa DynaGen Initiative và Mentori Việt Nam, dành riêng cho sinh viên của DynaGen Initiative. Các bạn sinh viên có tối đa 3 phiên cố vấn 1:1 và 3 buổi hội thảo trực tuyến cùng các Mentor dày dặn kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực (Tài chính - Ngân hàng, Marketing - Sale, Kế toán - Kiểm toán, Nhân sự, Supply Chain, Management Consulting, Start up) đến từ các công ty, tập đoàn lớn như: EY, Deloitte, Unilever, P&G.v.v.

Sinh viên chuẩn bị “thâm nhập” thị trường lao động theo một cách mới ảnh 1

Sinh viên DynaGen tham gia sôi nổi các tọa đàm trong chương trình Mentoring

Chương trình cố vấn (Mentoring) tuy đã rất phổ biến ở các nước phát triển, không chỉ được vận dụng trong giáo dục mà còn được áp dụng tại các doanh nghiệp lớn, nhưng lại là một khái niệm mới và còn xa lạ với sinh viên Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ những hoạt động đầu tiên của chương trình, Huyền và 19 bạn sinh viên DynaGen đã được hướng dẫn chi tiết về cách thức hoạt động và những phương pháp để có một buổi mentoring hiệu quả.

Trong hai buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên (“Tìm kiếm công việc bạn yêu thích” và “Làm sao để có một buổi Mentoring hiệu quả” của DynaGen Mentoring, các bạn sinh viên đã được tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa và cách thức hoạt động của chương trình. Các bạn còn được nghe chị Trần Thị Thùy Linh - Marketing Manager của Mentori Vietnam chia sẻ về các quyền lợi, yêu cầu của mentee cũng như các bước để có một buổi mentoring hiệu quả. Trong giai đoạn chuẩn bị - bước được chị Linh nhấn mạnh là quan trọng nhất, các bạn sinh viên nên đặt trước 3 câu hỏi sau cho bản thân: Vấn đề mình đang gặp phải là gì? Mình đã làm gì để giải quyết vấn đề đó? Mình muốn lắng nghe điều gì từ mentor?

“Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp các bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề mình đang gặp phải cũng như mong muốn của bản thân với mentor. Sau giai đoạn chuẩn bị chính là buổi gặp mặt. Các bạn đều cần phải chủ động hẹn lịch với mentor, chuẩn bị câu hỏi, giấy bút và laptop để ghi lại những chia sẻ của các anh chị trong buổi mentoring. Và cuối cùng là giai đoạn đánh giá, tổng kết.” – chị Thùy Linh chia sẻ thêm.

Sinh viên chuẩn bị “thâm nhập” thị trường lao động theo một cách mới ảnh 2

“Được tham gia DynaGen Mentoring là một điều tuyệt vời đối với mình” – Nguyễn Thị Huyền, Đại học Ngoại thương (Bên phải)

“Ghép cặp” chính là hoạt động được các bạn sinh viên mong chờ nhất trong chương trình DynaGen Mentoring. Tại đây, Huyền và các Mentee được phép gửi yêu cầu “ghép cặp” cho 5 Mentor và tỉ lệ được kết nối tối đa là 3/5. Sau khi Mentor chấp nhận yêu cầu, hai bên sẽ kết nối qua tin nhắn và đặt lịch gặp ngay trên hệ thống. Thời gian và hình thức cố vấn hoàn toàn do Mentor và Mentee thống nhất và quyết định. Mỗi Mentee sẽ có tối đa 3 buổi gặp gỡ với 3 Mentor khác nhau. Huyền hào hứng chia sẻ: “Mình đã được kết nối với anh Phạm Hồng Sơn – Chuyên viên Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của BAEMIN Vietnam. Tuy thời gian làm việc giữa hai anh em không được nhiều và chỉ có thể diễn ra online nhưng anh Sơn vô cùng nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc của mình về việc làm Nhân sự. Hơn nữa, anh rất sẵn lòng giải đáp khi mình cần dù đã kết thúc 2 buổi cố vấn 1:1. Sau chương trình, mình đã tìm thấy động lực để quyết tâm theo đuổi đam mê là ngành nhân sự, đặc biệt là không ngần ngại tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp lớn”.

Sinh viên chuẩn bị “thâm nhập” thị trường lao động theo một cách mới ảnh 3

Sinh viên DynaGen tìm định hướng cho bản thân thông qua hội thảo thứ 3 của DynaGen Mentoring

Trong 3 tuần, tất cả sinh viên DynaGen khi tham gia chương trình đều đã tìm được những vị cố vấn mà mình cần trong số hàng chục mentor giàu kinh nghiệm đến từ Mentori Vietnam. Không chỉ vậy, hội thảo trực tuyến cuối cùng mang tên “Tư duy phát triển - Bắt đầu cho sự thành công” (Growth mindset - Beginning of success) với sự tham gia của diễn giả Lê Quang Anh - Giám đốc Quản trị Chiến lược tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã giúp các bạn sinh viên có cái nhìn sâu hơn về tư duy phát triển và cách thức nuôi dưỡng tư duy phát triển. Anh Quang Anh nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất với các bạn là hãy tìm ra động lực phát triển bản thân của mình, xác định được định hướng rõ ràng để hoàn thiện hơn.”

Huyền và các bạn sinh viên DynaGen đang không ngừng thể hiện một thế hệ Gen Z năng động, không ngừng tìm kiếm và nắm bắt cơ hội cho bản thân. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức như Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Mentori Việt Nam..., các bạn có thể phần nào bắt kịp xu hướng của thị trường lao động, gạt bỏ những khó khăn khi bước khỏi giảng đường đại học.

DynaGen Initiative khóa II đã tuyển chọn được 52 sinh viên từ 15 trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong năm thứ 2 của Dynagen Initiative, sinh viên được tham gia chương trình huấn luyện được cải tiến với nhiều điểm mới hấp dẫn hơn như “Chinh phục nhà tuyển dụng”, “Hoàn thiện để thành công”, “Trở thành người lãnh đạo”... giúp sinh viên hoàn thiện các kỹ năng mềm, nâng cao năng lực học tập và làm việc hiệu quả. Ngoài ra, chương trình “Khai vấn nghề nghiệp” - với sự góp mặt và cố vấn trực tiếp từ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý nhân sự đến từ Navigos Group Việt Nam và chương trình hợp tác với Mentori, sinh viên có cơ hội được tìm hiểu rõ hơn về chính bản thân mình với các điểm mạnh cũng như điểm cần cải thiện, qua đó có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và thành công.

Mentori Việt Nam là tổ chức tiên phong cung cấp dịch vụ kết nối định hướng và cố vấn phát triển nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ tại Việt Nam (thành lập vào tháng 3 năm 2019 với tiền thân là dự án phi lợi nhuận Youth Mentor).

MỚI - NÓNG