Sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Thái Lan bị đe doạ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong tuần tới, Toà án Hiến pháp Thái Lan sẽ đưa ra phán quyết về hai vụ án quan trọng, mang tính quyết định đối với sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Srettha Thavisin và đảng đối lập được nhiều người ủng hộ.
Sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Thái Lan bị đe doạ ảnh 1

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. (Ảnh: Reuters)

Cả hai vụ án đều cho thấy những rạn nứt không dễ hàn gắn trong chính trị Thái Lan sau những mâu thuẫn và cạnh tranh quyết liệt suốt hai thập kỷ qua, giữa phe bảo hoàng và các đảng dân tuý như Tiến bước và đảng Pheu Thai của Thủ tướng Srettha.

Ngày 14/8, Toà án Hiến pháp Thái Lan sẽ đưa ra phán quyết về kiến nghị của uỷ ban bầu cử về việc giải tán đảng Tiến bước vì chiến dịch tranh cử của đảng này đòi cải tổ luật khi quân.

Kiến nghị cho rằng hành động này của đảng Tiến bước cấu thành nỗ lực lật đổ hệ thống mà Nhà vua đóng vai trò nguyên thủ.

Đảng Tiến bước bác bỏ cáo buộc này, nhưng cũng đã dừng nỗ lực kêu gọi cải tổ theo yêu cầu của toà án.

Đảng này có 30% ghế trong hạ viện sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng bị các nghị sĩ bảo thủ ngăn cản thành lập chính phủ.

Nếu đảng Tiến bước bị giải thể, 11 lãnh đạo và cựu lãnh đạo đảng, trong đó có ông Pita Limjaroenrat, người đã dẫn dắt đảng giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái, có thể bị cấm tham gia chính trị và cấm thành lập đảng mới trong 1 thập kỷ.

Ông Pita gần đây bày tỏ hy vọng đảng của ông sẽ sống sót sau vụ án này.

Nếu đảng Tiến bước bị giải tán, 143 nghị sĩ của đảng vẫn giữ được ghế của họ và có thể sẽ tái tổ chức thành một đảng khác.

Thủ tướng Srettha có thể bị bãi nhiệm vào ngày 14/8, sau khi các thượng nghị sĩ bảo thủ cáo buộc ông vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm một cựu luật sư từng bị kết án tù. Các nghị sĩ cho rằng luật sư này không đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức để được bổ nhiệm vào chính phủ.

Vụ án này là một trong nhiều yếu tố đang làm gia tăng tính bất định trên chính trường Thái Lan, tác động mạnh đến thị trường tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Nếu Thủ tướng Srettha bị bãi nhiệm, một chính phủ sẽ được thành lập và đảng Pheu Thai cần giới thiệu ứng viên thủ tướng mới để quốc hội xem xét.

Cuộc bỏ phiếu như vậy có thể đẩy Pheu Thai vào thế đối đầu với các đối tác liên minh, hoặc phải chấp nhận nhượng bộ để đổi lấy phiếu của quốc hội. Cả hai đều có thể dẫn đến xáo trộn lớn trong liên minh cầm quyền và phải sắp xếp lại nội các và chính sách.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
TPO - Diễn biến khí tượng tại khu vực Thủ đô Hà Nội trong ít ngày tới có biến động tương đối rõ rệt với hình thái có mưa dông rải rác, chủ yếu mưa to tập trung về đêm. Kéo theo đó nền nhiệt trung bình cao giảm, trong ngày có nhiều thời điểm duy trì ngưỡng dưới 30 độ C.