Cán bộ phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư làm việc trên máy định danh vi khuẩn. Ảnh: Lan Anh (Tuổi Trẻ). |
Cầm kết quả kháng sinh đồ của một bệnh nhân viêm phổi do nhiễm trực khuẩn mủ xanh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bà Đào Tuyết Trinh, phó trưởng khoa xét nghiệm, thông báo mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này kháng toàn bộ 18/18 kháng sinh được thử kháng sinh đồ, trong đó có cả carbapenem là nhóm kháng sinh thế hệ mới nhất. Với những bệnh nhân này, việc chọn thuốc điều trị khá khó khăn.
Tuy chưa có nghiên cứu giải mã trình tự gen của tất cả vi khuẩn kháng thuốc đã phát hiện, xem loại vi khuẩn kháng thuốc ở VN có gen NDM-1 tương tự ở Ấn Độ, Pakistan, nhưng nghiên cứu ở VN cho thấy đã có những vi khuẩn kháng đa thuốc, trong đó có cả kháng sinh thế hệ mới như ở Ấn Độ.
Vi khuẩn siêu kháng thuốc
Theo PGS.TS Phạm Văn Ca, trong nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư năm 2008-2009, 4% vi khuẩn klebsiella pneumoniae gây viêm phổi ở trẻ em và người già kháng kháng sinh meropenem, 55% sinh ra men ESBL. Các chủng A.Baumanii gây bệnh cơ hội ở bệnh nhân đặt ống sonde, phải thở máy, tỉ lệ kháng kháng sinh IMP tăng từ 60% lên 70%, kháng kháng sinh meropenem tăng từ 60% lên 75%. Với trực khuẩn mủ xanh, ông Ca cho hay nghiên cứu năm 2008-2009 cho thấy tỉ lệ kháng kháng sinh IMP tăng từ 35% lên 38%, kháng kháng sinh meropenem tăng từ 35,5% lên 37%. |
Theo PGS.TS Phạm Văn Ca, phó trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, vi khuẩn kháng thuốc đã phát hiện tại VN từ những năm 1990. Nghiên cứu thực hiện năm 2001 trên nhiều bệnh viện toàn quốc, trong 208 chủng trực khuẩn mủ xanh được kiểm tra đã có 10,1% kháng IMP, tức carbapenem thế hệ 1. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nghiên cứu năm 1996-1997 trên 96 chủng vi khuẩn kháng thuốc, 100% kháng ba kháng sinh trở lên, 52,9% kháng sáu kháng sinh trở lên, trong đó có cả IMP.
“Tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc tăng lên rất nhanh. Trong nghiên cứu mới thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư năm 2008-2009, 5% vi khuẩn e.coli gây bệnh đường ruột kháng carbapenem thế hệ 1; 1% kháng kháng sinh thế hệ mới meropenem; khoảng 50% vi khuẩn được nghiên cứu sinh ra ESBL là men phá hủy tất cả kháng sinh nhóm cefalosporin như penicilin, cefalosporin, aztreo nam” - ông Ca cho biết.
Tại khu vực định tên vi khuẩn, bà Đào Tuyết Trinh cho hay dù kháng sinh nhóm carbapenem thế hệ mới nhất mới được đưa vào sử dụng 2-3 năm nay, nhưng tỉ lệ mẫu bệnh phẩm còn nhạy cảm cũng chỉ trên 90%, rất nhiều trường hợp bệnh nhân kháng 18-20 loại kháng sinh được dùng thử kháng sinh đồ. “Nếu không có biện pháp sử dụng kháng sinh hợp lý, sẽ rất khó khăn cho điều trị do nhiều vi khuẩn kháng thuốc mang gen plasmid phát triển rất nhanh. Nghiên cứu một kháng sinh mới mất hàng chục năm, nhưng vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện hằng ngày” - bà Trinh nhận xét.
Vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem ở bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư . Ảnh tư liệu do bệnh viện cung cấp. (Tuổi Trẻ) |
Do lạm dụng kháng sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, nhưng giới y khoa đặc biệt chú ý tình trạng lạm dụng kháng sinh ở VN. PGS Ca nhấn mạnh ở VN, người dân có thể mua bất kỳ kháng sinh nào họ muốn mà không cần đơn của bác sĩ. “Uống kháng sinh không đủ liều, sử dụng thái quá, cảm cúm cũng uống kháng sinh, sử dụng thuốc không đúng bệnh. Tại bệnh viện, một số bác sĩ dùng phác đồ điều trị bao vây, chỉ định ít nhất hai kháng sinh/đơn thuốc, thậm chí có trường hợp bác sĩ ở tuyến dưới chỉ định hai kháng sinh diệt khuẩn, một kháng sinh kiềm khuẩn, sai nguyên tắc kết hợp” - PGS Ca nhận xét.
Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng kháng sinh khá bừa bãi trong chăn nuôi cũng khiến một số thực phẩm từ động vật còn tồn dư kháng sinh, ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm với kháng sinh ở người. Theo PGS Ca, tùy vùng miền, nhưng người dân vùng núi, hải đảo vẫn còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh, còn dân cư thành thị, từng sử dụng nhiều thuốc, tỉ lệ kháng thuốc cao hơn. Vì thế rất nên làm kháng sinh đồ cho bệnh nhân để chọn ra loại thuốc hiệu quả nhất cho họ.
Một chuyên gia khác về xét nghiệm lại cho rằng “sức ép” từ các trình dược viên và cả bệnh nhân muốn dùng thuốc thế hệ mới nhất, bất kể cơ địa của mình còn nhạy cảm với kháng sinh thế hệ thấp hơn cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh đang rất đáng lo ngại hiện nay.
Theo bà Trinh, với những bệnh nhân kháng 18-20 kháng sinh khi làm kháng sinh đồ rất khó chọn thuốc để điều trị. Các bác sĩ điều trị đành sử dụng phương án kết hợp hoặc tăng liều “kháng sinh trung gian”, tức còn có tác dụng phần nào với vi khuẩn gây bệnh. Ở những bệnh nhân này thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, chưa kể trong trường hợp bệnh nhân có thêm bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, lại nhiễm thêm vi khuẩn kháng thuốc thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều năm nay y khoa đã cảnh báo mức độ nguy hiểm của tình trạng người VN rất thích tự mua thuốc điều trị, bỏ qua khâu khám bệnh. Nhưng bệnh viện quá tải khiến bệnh nhân ngại đi bệnh viện, sức ép của hãng dược và kiểu điều trị “bao vây” của y khoa cũng góp phần gia tăng hiện tượng kháng kháng sinh.
Bộ Y tế cũng đã ban hành quy chế kê đơn và danh mục thuốc phải kê đơn, nhưng thực hiện trên thực tế xem ra rất khó vì tính sẵn có của hiệu thuốc tư nhân, sự thiếu thốn cả về cơ chế và lực lượng thanh tra. Nhưng sự xuất hiện của những vi khuẩn siêu kháng thuốc có thể là lời cảnh báo nghiêm khắc, không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả bác sĩ.
Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ