Liên quan đến vụ lùm xùm giáo viên Trung tâm Anh ngữ MST Nguyễn Thị Kim Tuyến có lời lẽ thiếu văn hóa khi chửi học viên là “óc lợn”, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT và các trường tăng cường rà soát, quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn đang hoạt động trong địa bàn hoặc phạm vi đơn vị quản lý.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin về danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học cả công lập, tư thục, có vốn đề tư nước ngoài, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn được cấp phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đưa ra công luận xin ý kiến về dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm Anh ngữ.
Theo đó, Giám đốc trung tâm phải là người có nhân thân tốt; có năng lực quản lý; đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tin học hoặc đã tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ, tin học; đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong nước hoặc quốc tế ít nhất 3 năm và được cấp ra quyết định thành lập trung tâm bổ nhiệm (đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học công lập) hoặc được cấp ra quyết định cho phép thành lập trung tâm ra quyết định công nhận (đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục và trung tâm ngoại ngữ, tin học có vốn đầu tư nước ngoài).
Tuy nhiên, quy định này so với Thông tư 03 được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 không mới. Điểm mới nhất của dự thảo lần này đó chính là quy định cụ thể yêu cầu năng lực đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ. Tại quy định cũ, Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu: Giáo viên cơ hữu của trung tâm ngoại ngữ, tin học phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên hoặc có bằng cao đẳng, đại học phù hợp với chương trình được phân công giảng dạy và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên thỉnh giảng thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến, yêu cầu này đã được quy định chi tiết hơn. Với giáo viên là người Việt Nam dạy ngoại ngữ, dự thảo yêu cầu: Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương) trở lên;
Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương) trở lên.
Với giáo viên là người Việt Nam dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ, Bộ cũng yêu cầu phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiếu từ bậc 3 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương) trở lên;
Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 3 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương) trở lên.
Trong quy chế cũ và dự thảo mới, Bộ GD&ĐT cũng đều yêu cầu giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học phải có hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với học viên. Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, giản dị, phù hợp với hoạt động sư phạm.
Đồng thời, dự thảo yêu cầu thêm giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự nhà giáo; đoàn kết, giúp đỡ các đồng nghiệp; gương mẫu trước học viên, tôn trọng nhân cách, đối xử công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học viên.
Trước đó như đã đưa tin, ngày 5/5, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, giám đốc công ty MST, đồng thời là người đứng lớp dạy ngoại ngữ tại trung tâm tiếng Anh MST mạt sát học viên với những lời lẽ nặng nề, thiếu văn hóa.
Không những thế, khi đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT vào cuộc, kết quả xác minh cho thấy, trung tâm tiếng Anh MST của bà Tuyến hoạt động chui, bản thân bà Tuyến mới chỉ có bằng tốt nghiệp ĐH ngành Kế toán.
Bản thân cô Tuyến sau đó bị phạt 5 triệu đồng; Cty MST bị phạt 20 triệu đồng và giải thể các cơ sở dạy ngoại ngữ của Cty này.
Trong khi dư luận lên tiếng phản ứng với hành động thiếu chuẩn mực trong lớp học của cô Nguyễn Thị Tuyến thì người này liên tục Livestream 'đối đáp' thách thức dư luận.
Cũng liên quan đến vụ việc, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Cty của cô tuyến bồi hoàn tiền học phí cho các học viên. Tuy nhiên, theo một số học viên đã theo học thì việc bồi hoàn này không hề dễ dàng.
Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng, Sở GD&ĐT sẽ có những biện pháp quản lý, giám sát cụ thể ra sao với việc bồi hoàn học phí của Cty.