Siết chặt hơn việc mổ xơ hóa cơ delta

Siết chặt hơn việc mổ xơ hóa cơ delta
Chỉ những bác sĩ chuyên khoa 2 về chấn thương chỉnh hình đã được tập huấn về quy trình điều trị xơ hóa cơ delta mới được mổ. Không được phẫu thuật cho trẻ dưới 5 tuổi.
Siết chặt hơn việc mổ xơ hóa cơ delta ảnh 1
Không phải tất cả trẻ xơ hóa cơ delta đều phải mổ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Đó là kết luận mới nhất của Hội đồng khoa học về bệnh này.Việc phẫu thuật điều trị xơ hóa cơ delta từng được coi là rất dễ dàng, đơn giản, có thể thực hiện ở bệnh viện tuyến huyện và bác sĩ phẫu thuật nào đã được tập huấn đều có thể mổ.

Trong một thời gian ngắn, đã có gần 2.000 trẻ đã được mổ. Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại rằng quan điểm này dẫn đến sự dễ dãi cả trong phẫu thuật và chẩn đoán.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình, Phó giám đốc Học viện Quân y, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học về xơ hoá cơ delta (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng mổ vô tội vạ thực tế đã xảy ra ở Thanh Hóa, khi nhiều bác sĩ không thuộc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và chưa được tập huấn cũng tham gia mổ cho bệnh nhân. Có bác sĩ còn đưa đến 20 bệnh nhân về phòng khám tư của mình để phẫu thuật và một số người đã khiếu nại.

Sự lộn xộn trên cộng với mối nghi ngờ rằng việc phẫu thuật trong bệnh xơ hóa cơ delta có thể không cần thiết đã khiến cho Hội đồng khoa học về bệnh này liên tục họp bàn và sau cuộc họp ngày 10/6, Hội đồng quyết định siết chặt hơn việc mổ xơ hóa cơ delta.

"Không cần tranh cãi nữa về chuyện mổ hay không mổ xơ hóa cơ delta, vấn đề là phân loại như thế nào để quyết định ca nào nên mổ, ca nào chưa" - giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, thành viên hội đồng khẳng định trong cuộc tọa đàm về bệnh này do báo Khoa học & Đời sống tổ chức chiều 10/6.

Việc phẫu thuật sẽ giải quyết được 3 vấn đề: giảm vận động khớp vai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ (ngực lép, vùng vai lồi lõm, tay khuỳnh), bệnh nặng lên làm biến dạng khớp vai, lồng ngực, ảnh hưởng đến cả các khối cơ xung quanh. Nếu không mổ, khớp vai sẽ dần bị trệch một phần, dần dần trật hẳn, gây hẹp lồng ngực, biến dạng cột sống.

Không phải ai cũng có thể mổ

Xơ hóa cơ delta dễ bị nhầm với:

- Xương bả vai nhô cao bẩm sinh.

- Liệt một dây thần kinh ở cổ.

- Bệnh Duchenne: Di truyền, chỉ xảy ra ở con trai, xuất hiện đối xứng hai bên với biểu hiện to ở ngọn chi, bé ở gốc chi; bệnh nhân đang ngồi không tự đứng lên được, phải có người xốc nách 2 bên.

- Loạn dưỡng cơ tuỷ do tăng men CK trong máu lên 20 đến hàng trăm lần, làm tổn thương tế bào thần kinh vận động ở sừng trước tuỷ sống. Biểu hiện là liệt tiến triển dần, các vận động tinh tế không làm được. Chẩn đoán bằng xét nghiệm men CK và gene SSMA (thấy mất đoạn).

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình cho biết, theo quyết định mới nhất của Hội đồng khoa học, chỉ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên mới được phẫu thuật xơ hóa cơ delta, với điều kiện có đủ trang thiết bị gây mê hồi sức và khoa vật lý trị liệu (vì việc phẫu thuật sẽ trở nên vô ích nếu thiếu phần tập phục hồi chức năng).

"Một mũi tiêm không đúng cách cũng có thể gây nguy hiểm, việc mổ xẻ lại càng quan trọng hơn thế" - ông Bình nói. Do vậy, người phẫu thuật phải là bác sĩ chuyên khoa cấp 2 về chấn thương chỉnh hình, đã được tập huấn về quy trình mổ xơ hóa cơ delta.

Để tránh tình trạng chẩn đoán nhầm hoặc chỉ định phẫu thuật một cách dễ dãi, người mổ cũng chính là người khám và xác định bệnh cho trẻ, và chịu trách nhiệm về chỉ định của mình.

Quyết định mổ chỉ được đưa ra khi bệnh nhân đã được khám kỹ, chiếu chụp, xét nghiệm sinh hóa để loại trừ các bệnh có biểu hiện giống xơ hóa cơ delta.

Ngoài ra, Hội đồng khoa học cũng không cho phép phẫu thuật cho trẻ dưới 5 tuổi. Thứ nhất, ở lứa tuổi này, khả năng tai biến do gây mê và phẫu thuật rất cao.

Thứ hai, xơ hóa cơ delta là di chứng của một quá trình bệnh lý lâu dài, trải qua rất nhiều năm, vì vậy chưa thể kịp gây hậu quả nghiêm trọng ở trẻ dưới 5 tuổi.

Ngay cả những bệnh nhân lớn hơn cũng sẽ được phân loại kỹ. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, dù xương bả vai có triệu chứng xòe ra nhưng trẻ vẫn không được phẫu thuật nếu khép vai dưới 25 độ, hoặc khép 2 khuỷu vẫn chạm nhau. Trường hợp bệnh nhân có thể tự khép hết tay vào thân mà xương bả vai không thay đổi cũng chưa cần phẫu thuật.

Để thận trọng, các trường hợp không quá nặng sẽ được tập luyện, sau 3 tháng nếu không có biến chuyển mới chỉ định mổ. Các ca mổ phức tạp dứt khoát phải được thực hiện ở tuyến trung ương.

Ông Hưng cho biết, tuy chưa có thống kê nhưng trong số trẻ đã được mổ xơ hóa cơ delta, có những trường hợp bị tái phát. Trên thế giới, tỷ lệ tái phát sau mổ là 6%. Cách ngăn ngừa hiện tượng này là tập phục hồi chức năng đúng hướng dẫn.

Ông Nguyễn Tiến Bình cho biết, để hoàn thiện kỹ thuật điều trị xơ hóa cơ delta, Hội đồng khoa học sẽ nghiên cứu bổ sung quy trình kỹ thuật về mổ và phục hồi chức năng cho bệnh nhân, in thành sách để phổ biến cho các cơ sở y tế.

Theo Thanh Nhàn
VnExpress

MỚI - NÓNG