Một trong hai ngân hàng TMCP mới được cấp phép thành lập trong năm nay. Ảnh : PV |
Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, cho biết theo dự thảo thì vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần mới sẽ là 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ quy định cho một ngân hàng thương mại cổ phần hiện hữu vào cuối năm nay.
Ngoài ra, mỗi ngân hàng phải có ít nhất 100 cổ đông, trong đó mỗi doanh nghiệp là cổ đông sáng lập phải có ít nhất 500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và phải đảm bảo làm ăn có lãi trong 3 năm liên tiếp trước khi xin thành lập ngân hàng.
Với điều kiện mới này, gần như chỉ các tập đoàn kinh tế mới có đủ điều kiện vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng, trong khi Chính phủ đang có chủ trương hạn chế các tổng công ty nhà nước và các tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. "Cơ hội dành cho các doanh nghiệp tư nhân trong việc mở ngân hàng là rất ít," ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Việc nâng vốn điều lệ các ngân hàng thành lập mới lên 3.000 tỷ đồng đã được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ.
"Thông điệp ở đây rất rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế số lượng ngân hàng mới, hay đúng hơn là những ngân hàng nhỏ gia nhập thêm vào thị trường ngân hàng nội địa, nhất là khi nỗi quan ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu đang lan rộng," ông Võ Trí Thành ở Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương nhận xét.
“Những điều kiện này thực sự khắt khe nhưng rất tốt”, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại đánh giá. "Chỉ riêng việc xây dựng hệ thống core-banking (ngân hàng lõi điện tử) cho một ngân hàng thương mại đã tốn 4 triệu USD (trên 65 tỷ đồng). Đó là chưa kể đến các chi phí kèm theo. Nếu ngân hàng mới không có tiềm năng, không đủ năng lực thì nó sẽ khó tồn tại sau khi đi vào hoạt động," ông Toại bình luận.
Trong dự thảo mới, Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung xây dựng khung giám sát hệ thống cho các ngân hàng thương mại và xác định quyền lợi của cổ đông.
Theo ông Nghĩa, nhiệm vụ chính của Hội đồng quản trị hiện nay là bàn và quyết định các vấn đề liên quan đến tín dụng, đại hội cổ đông và phân chia cổ tức. Với những nhiệm vụ sắp tới thì Hội đồng quản trị sẽ không còn thời gian để can thiệp vào quyền và công việc của tổng giám đốc ngân hàng nữa. Ngoài ra, ngân hàng mới phải đáp ứng được các tiêu chí chuẩn về quản trị rủi ro và giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam hiện có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần và 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm hai ngân hàng thương mại cổ phần đi vào hoạt động là Liên Việt và Tiên Phong.
Tính đến tháng 8/2008, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được tổng cộng 37 bộ hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng thương mại. Trong số các hồ sơ trên, đến nay mới chỉ có Liên Việt và Tiên Phong được chấp nhận thành lập và đã đi vào hoạt động, cùng Bảo Việt Bank được Thủ tướng chấp thuận thành lập.
Từ tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố tạm ngừng nhận hồ sơ và cấp phép thành lập ngân hàng mới để ra soát và điều chỉnh các quy định về việc thành lập ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng khi dự thảo mới nói trên được Chính phủ thông qua.
Theo TTXVN