Si tình từ Tác phẩm Tuổi xanh

Si tình từ Tác phẩm Tuổi xanh
TP - 14 tuổi, tôi được bố đưa ra Hà Nội nhận giải Tác phẩm Tuổi xanh. Trụ sở cũ có cầu thang xoáy trôn ốc thời đó chẳng xa lạ gì với bố tôi, bởi ông đã cộng tác nhiều với báo. Nhưng với một đứa bé nhà quê, đó là thiên đường.

> Nguyễn Hữu Hồng Minh 'ăn bóng' trong thế giới ảo
> Đỗ Hoàng Diệu có còn nổi loạn?

Tổng biên tập Dương Kỳ Anh, Thư ký tòa soạn Nguyễn Hoàng Sơn, ai cũng niềm nở. Và nhà báo Bích Hậu, người chúng tôi gọi là Má - lo cho chúng tôi từ bữa ăn tới giấc ngủ, quá đỗi thân thương. Còn chúng tôi, những Dương Phương Vinh, Ngô Tự Lập, Đinh Thu Hiền, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hữu Hồng Minh… mơ mộng và trong sáng, đầy hoài bão cuồng vọng với văn chương lẫn cuộc đời. Năm đầu thập niên 90 ấy, rất nhiều thứ còn hồng và rất nhiều người còn nhân…

Trao giải Tác phẩm Tuổi xanh năm 1998. Ảnh: Phạm Yên
Trao giải Tác phẩm Tuổi xanh năm 1998. Ảnh: Phạm Yên.

Tôi thì si tình quá đỗi. Tất cả như một cơn gió lạ bất ngờ ập tới khiến tôi choáng váng. Trai Hà thành tài hoa, sáng láng. Má Bích Hậu khổ vì sự mê đắm mù quáng của tôi. Hình ảnh bà trong đêm mùa đông lặn lội đạp xe đến nhà tình si của tôi để thuyết phục anh đến thăm đứa trẻ ngông cuồng là mảnh ký ức hay bất chợt hiện về cho dù đã lâu, đã nằm sâu trong tiềm thức. Nó như sợi tơ chằng kéo quãng tuổi xanh của đời tôi. Mối tình si cuồng dại đó còn kéo dài tới khi tôi vào đại học. Để rồi Nguyễn Vĩnh Tiến phải đội nắng đạp xe hàng chục cây số chở tôi tới nhà người ấy. Má Bích Hậu, tôi chưa gặp lại một lần. Nguyễn Vĩnh Tiến, chỉ đôi khi chạm mặt. Song hình ảnh của họ vẫn ở đó, sâu trong ký ức, không bao giờ chết. Cũng như cái cầu thang hình trôn ốc trụ sở báo Tiền Phong năm 91, nụ cười của chủ tịch Hội đồng chung khảo truyện ngắn Nguyên Ngọc, thường lóe chớp trong hành trình tôi đi.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Ảnh: hồng vĩnh
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không rõ vì lý do gì báo Tiền Phong ngừng cuộc thi Tác phẩm Tuổi xanh. Nhưng tôi cho rằng đấy là quyết định vô cùng đúng đắn. Chất lượng hai mùa giải đầu với nhiều tên tuổi làm nên chuyện sau đó, đủ khẳng định Tác phẩm Tuổi xanh là cuộc thi sáng tác dành cho người trẻ công tâm nhất thời đó và cả về sau này. Năm 90 ấy, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài mới xuất hiện và còn “tươi rói”, tạo nên sự “thoát khí”, thúc giục những người trẻ tìm tòi sáng tạo. Lúc ấy, các cuộc thi sáng tác hãy còn ít, có cũng chỉ do Hội Nhà văn hay báo Văn nghệ và các Hội văn nghệ địa phương tổ chức, nên các cây bút trẻ không có nhiều cơ hội thể hiện. Tác phẩm Tuổi xanh quả là sáng kiến hoàn hảo. Rất nhiều người đoạt giải năm ấy đã xem nó là bàn đạp, là sự khích lệ lớn để thành danh sau này. Một cách khách quan, tôi cho rằng Tác phẩm Tuổi xanh là một trong những cuộc thi sáng tác văn học thành công nhất dành cho người trẻ.

Người ta còn nhắc và sẽ còn nhắc nhiều đến Tác phẩm Tuổi xanh, bởi sự thành danh của các cây bút xuất phát từ cuộc thi ấy. Hãy nhìn các cuộc thi sáng tác, giải thưởng văn học bây giờ, sẽ thấy… Người ta có thể mua bán, đổi chác giải thưởng. Người ta có thể trao giải vì quen thân hay không trao giải vì lý do nhạy cảm. Những chuyện hoàn toàn ngoài văn chương... Nếu Tác phẩm Tuổi xanh tồn tại đến nay, rất có thể nằm trong vòng xoáy này?

Dừng lại khi cây còn khỏe lá còn xanh và chờ nụ bung hoa xum quả mọng, thì dư âm mãi còn xanh tươi. Tôi, đứa bé nhà quê 14 tuổi ngày nào si tình đến rồ dại, phải thú nhận rằng cũng đã từng si mê văn chương tới loạn khùng. Bắt đầu từ tác phẩm tuổi xanh ấy…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG