> Tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam
> Sau Mỹ-Hàn, đến lượt Nhật 'thúc' LHQ trừng phạt Triều Tiên
Ngẫu nhiên chăng? tháng 10-2006, Thủ tướng Việt Nam là người đến Tokyo thăm chính thức chỉ sau khoảng 1 tháng ông Shinzo Abe lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật (20-9-2006).
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thăm các nước Đông Nam Á từ ngày 16 tới 19-1. Việt Nam là điểm đến đầu tiên của thủ tướng Nhật. Mục đích của chuyến công du là nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nước thuộc khu vực. Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Suga - Chánh văn phòng nội các Nhật Bản |
Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 10-2006, tôi gặp Minh Tuấn - nguyên phóng viên của báo Đại Đoàn Kết, người nên duyên cùng cô phóng viên xinh xắn Keiko Watanabe thường trú tại Hà Nội của tờ Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn nhất Nhật, rồi sang quê vợ sống.
Vợ chồng Minh Tuấn - Keiko cùng một nhóc tì còn nằm nôi đi hơn trăm cây số cao tốc tàu shinkansen đến khách sạn ở trung tâm Tokyo thăm đám báo chí chúng tôi. Chuyện nối chuyện.
Các ký giả sôi nổi chuyện trò quanh sự kiện của chuyến thăm, về cuộc hội đàm sắp diễn ra giữa hai thủ tướng. Thủ tướng Việt Nam là khách mời đầu tiên của nội các Nhật mới.
Và cũng là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi nhậm chức tháng 7-2006. Với sự có mặt của một phóng viên thuộc loại gộc như Keiko, tôi đâm lãi qua những thông tin chả dễ gì mà có phục vụ cho công việc.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi. |
Người tiền nhiệm
...Chương trình chuyến thăm có việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm gặp cựu Thủ tướng Koizumi (nhiệm kỳ 2001-2006), vị chính khách độc đáo có mái tóc bồng bềnh kiểu Beethoven chải ngôi giữa.
Là thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu thứ 3 của nước Nhật (chỉ sau các ông Sato và Yoshida), ông Koizumi đã đưa nước Nhật trở lại thịnh vượng sau nhiều năm khủng hoảng mà theo phương châm của ông, những bước cải tổ đau đớn nhưng cần thiết để đảm bảo cho tương lai!
Trong thời gian ngồi đợi hai ông chuyện trò, tôi chợt nhớ lần năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trên đường đi thăm Mỹ đã dừng ở Nhật mấy tiếng đồng hồ.
Lượt về cũng vậy. Tôi cứ vân vi nghĩ không biết chỉ là chuyện lịch bay? Bởi chúng tôi cũng loáng thoáng nghe được, Thủ tướng Koizumi vốn là chiến hữu của Tổng thống Mỹ G. Bus (con) khi đó.
Nhớ lại câu chuyện với vợ chồng Tuấn, hồi nãy ngó những sải bước thanh thoát đĩnh đạc và cái dáng thanh mảnh của Koizumi, tôi những tưởng ông đang tiến ra sân khấu trình diễn một ca khúc của Elvis Presley huyền thoại, người có cùng ngày sinh nhật mồng 8 tháng Giêng với ngài cựu Thủ tướng, cũng là người mà ông từng tôn làm thần tượng của mình!
Phong thái nghệ sĩ nhưng dòng máu chính trị luôn nồng nàn trong huyết quản gia đình Koizumi. Koizumi là đời thứ ba trong cái gia đình luôn chơi với chính trị mà ít khi rủi ro bại trận.
Cha ông Junya Koizumi là người từng đứng đầu Cục Phòng vệ Nhật Bản. Người ông nội của Koizumi từng là Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông và là người đầu tiên chủ trương tư nhân hóa ngành Bưu điện.
Cánh chiêm tinh tướng số tha hồ mà thêu dệt cái bản tính ngoan ngạnh của Koizumi rằng ông tuổi Ngọ (sinh năm 1942) có tài nhưng truân chuyên. Ngựa dữ, ngựa bất kham mới là ngựa hay!
Truân chuyên trục trặc khi những năm cuối sáu mươi, ông tranh cử vào Hạ viện nhưng nhiều lần không thu đủ số phiếu để đại diện cho đảng Dân chủ tự do (LDP).
Rồi từ năm 1995 đến năm 1999, ông đều đặn tranh cử chức chủ tịch đảng LDP nhưng đều thất bại. Mãi đến năm 2000, được cánh cải cách trong LDP hậu thuẫn, ông Koizumi mới đậu được ở nấc thang quyền lực cao nhất của LDP. Mấy tháng sau ông đã trở thành thủ tướng của nước Nhật.
Khoảng râm của cái bóng Koizumi từng um tùm trên chính trường Nhật một thời nhưng dường như không cớm không che những mầm cây? Ông Koizumi hẳn đã chuẩn bị cho Shinzo Abe vươn cao.
Gần như suốt 13 năm bước vào và tham gia chính trường Nhật Bản, Shinzo Abe đã được ông Koizumi đặt vào những vị trí tin cậy đầy thử thách, sau hết là công việc Đổng lý văn phòng nội các.
Và khi được ông Koizumi rời chính trường, ông Abe đã vững để kế nhiệm ông. Theo giới bình luận, trở thành thủ tướng, Shinzo Abe dần vượt ra khỏi khoảng râm mát của cái bóng Koizumi bằng những hành xử độc đáo ngoạn mục!
Thấp thoáng chân dung
Soài người trên chiếc ghế trong Dinh Thủ tướng Nhật, tôi đợi buổi họp báo sau cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng. Ngắm rặng anh đào già mùa thu khô khẳng bên Dinh, tôi nghĩ miên man về sự kiện trăm năm trước, 100 gốc anh đào Phù Tang vượt biển sang nước Cờ Hoa đặng làm sinh sắc thêm mùa xuân xứ ấy.
Ấy vậy mà biến thiên và khúc quanh của lịch sử vẫn cứ đẻ ra những sứt đầu mẻ trán Trân Châu Cảng, Hiroshima, Nagasaki... Vậy rồi lại hòa hiếu vững bền hằng bao năm nay ở tầm cấp đồng minh đặc biệt? Mới thấy cái câu “không có kẻ thù vĩnh viễn”.
Rồi lại nhìn hai cái cửa màu trắng gần gian phòng đang diễn ra cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng. Đó là cửa các phòng một thời của Thủ tướng Koizumi và Chánh văn phòng nội các Shinzo Abe. Giờ thì vị thủ tướng có vóc dáng nghệ sĩ đã lùi vào hậu trường, vị đổng lý ngày nào thay ông. Mới, còn rất mới, và nói như cánh bình luận quốc tế thì vẫn còn là một “ẩn số”.
Cho nên tôi mới bảo là lãi bởi chẳng phải là câu chuyện nữa mà là những tư liệu sinh động tôi có được từ phóng viên Keiko của tờ báo lớn nhất nước Nhật Yumouri Shimbun.
Keiko kể lại hồi tờ báo của cô mở một cuộc trưng cầu dân ý đầu tháng 10 và tháng 11 năm 2005, 55% số người được hỏi tán thành ông Abe thay ông Koizumi (trong khi ông Fukuda chỉ được 12%, ông Aso là 7% và ông Tanigaki 3%). Người ta nói rằng chỉ cần Shinzo Abe giơ tay tuyên bố ra tranh cử là tức khắc đắc cử!
Tuổi Ất Mùi (sinh 1955, mệnh kim - sa trung kim), ông Abe là thủ tướng Nhật trẻ nhất từ Thế chiến thứ hai. Tác phong thoải mái, tiếng Anh lưu loát, Shinzo Abe đã từng học tại Học viện Nam California vào năm 1978.
Nhật Bản có nhiều gia thế tạo ra nhiều chính trị gia. Shinzo Abe được coi thuộc dòng dõi chính trị gia thuần túy. Ông ngoại Shinzo Abe là Nobosuke Kishi, Thủ tướng Nhật vào cuối những thập niên 1950. Ông chú của ông Shinzo cũng là một lãnh đạo Nhật trong 8 năm.
Còn cha của ông, Shintaro Abe, từng làm bộ trưởng Ngoại giao. Shintaro Abe từng ứng cử thủ tướng nhưng không thành và mất vì bệnh ung thư gan. Chính ông đã hướng con trai vào chính trị. Nhà Shinzo quê ở tỉnh Yamaguchi thuộc thành phố Nagato trên bờ biển Nhật Bản.
Trước ngày bầu cử, tại Nhật đã hình thành hai trường phái nhìn nhận khác nhau về ứng viên sáng giá Shinzo Abe.
Những người ủng hộ cho rằng ông là một nhà lãnh đạo nguyên tắc, có khả năng làm sống lại những giá trị truyền thống và đưa nước Nhật đạt được vị thế xứng đáng trên chính trường thế giới.
Những người chỉ trích lại lo ngại tư tưởng mà họ coi là “bảo thủ” của ông Abe sẽ dẫn dắt nước Nhật đi vào con đường dân tộc chủ nghĩa.
Thoáng ngẫm đến nhận xét đó của nhà báo Keiko, bây giờ ngồi gõ những dòng này bất giác nhớ đến hai bữa trước thôi, ngày 10 tháng Giêng 2013, ông Chánh Văn phòng nội các Nhật ra tuyên bố trước bàn dân thiên hạ cực lực phản đối tàu Trung Quốc vào tuần tiễu vùng đảo mà Nhật và Trung Quốc đương tranh chấp.
Dân tộc chủ nghĩa hay lo cho chủ quyền của đất nước, của dân tộc? Một sắc thái chủ nghĩa dân tộc lành mạnh của chủ quyền, lãnh hải quốc gia?
Có một lý do nữa khiến cho hồi ấy ông Shinzo Abe đắc cử với phiếu cao - nhà báo Keiko cười duyên dáng - là ông được phụ nữ rất thích bởi từng đoạt giải thưởng Người ăn mặc lịch sự nhất lần thứ 31 do Hiệp hội Thời trang nam Nhật Bản trao vào năm 2002.
Bên cạnh đó, ông được xem là người ăn nói nhã nhặn, ôn hòa, thu hút lòng người. Không biết điều này có phải do ông đã lĩnh hội từ người đi trước hay không bởi ông Koizumi từng nói với ông: “Nếu như anh không có hứng thú với thời trang thì anh sẽ không thể trở thành thủ tướng”.
Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân, bà Akie Shinzo. |
Người phía sau
Trước thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam, hai phu nhân đã có một cuộc tiếp kiến riêng.
Ngó chương trình ghi trong cuốn lịch, tôi quấy quả vợ chồng Minh Tuấn để gạ thêm chút thông tin về bà Akie Abe, phu nhân tân Thủ tướng Nhật.
Đại để bà Akie Abe từng làm việc ở một trong những hãng quảng cáo lớn nhất nước Nhật. Thêm nữa, bà vốn mê phim Hàn Quốc nên quyết tâm học tiếng Hàn.
Có lần tháp tùng ông chồng sang Hàn Quốc, bà đã giới thiệu ông Abe gặp một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, người thủ vai chính trong phim Tình ca mùa đông, một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc. Trong cuộc gặp ấy, bà đã dùng tiếng Hàn để nói chuyện với các diễn viên Hàn Quốc. Bà còn thuộc một số bài hát Hàn quốc và thể hiện bằng tiếng Hàn!
Người ta nói, ông Shinzo Abe khéo chọn vợ! Akie Shinzo na ná hình mẫu bà mẹ chồng, thân mẫu Shinzo Abe (tên là Yoko Abe, vợ góa của cựu ngoại trưởng Shintaro Abe, cũng là con gái của của cố Thủ tướng Nobosuke Kishi).
Điều ngạc nhiên là bà lại có khả năng diễn thuyết được nhiều người coi là giỏi hơn ông chồng! Bởi bà Akie từng làm ở hãng quảng cáo danh tiếng nên có khiếu truyền đạt, diễn đạt thông tin.
Bà là người thích nhiều cái mới. Các chuyên gia thẩm mỹ rất hài lòng về cung cách phục sức của phu nhân thủ tướng. Trang nhã mà không phô trương. Nếu ông Abe là người kín đáo thì bà lại là người dễ gần.
Thấy bảo, điều thú vị là bà Akie có tửu lượng tương đối, có thể thay mặt cho chồng cụng ly với các chính khách hoặc phe ủng hộ. Trong khi đó, đức lang quân chỉ một ly bia là vừa!
Nội dung cuộc tiếp kiến giữa hai phu nhân thủ tướng chúng tôi không được biết. Nhưng có mục hai thủ tướng và phu nhân chụp ảnh chung.
Cuối chuyến thăm, tôi được chuyện với phu nhân Thủ tướng Việt Nam. Câu chuyện của bà ngược trở lại với cuộc gặp và buổi chiêu đãi của Thủ tướng Shinzo Abe. Bà cho biết trong cuộc gặp giữa hai bà, Phu nhân Thủ tướng Nhật có hỏi rằng giới trẻ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thích ăn bận kiểu mốt gì? Thời tiết ở Hà Nội hiện thời ra sao?
Các món ăn ở Hà Nội và Việt Nam nói chung có thứ chi độc đáo? vv... Phu nhân thủ tướng ta cười thành thực với tôi rằng, “trước khi sang đây có ai nói cho mình biết những chuyện đại loại như vậy đâu”, nhưng may cái là bà cũng chịu khó đọc cái này cái khác và năng chuyện trò với các con nên cũng đáp ứng những mong mỏi được biết của phu nhân Thủ tướng Nhật.
Chắc bà Akie đang muốn có thêm nhiều thông tin để mấy bữa sau đó theo chồng sang dự Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội.
Những cuộc cách mạng lẩu lâu từ thời Minh Trị nhằm thay đổi quan niệm luân lý của người Nhật với các tiêu chí sức khỏe (name) Trí thức (chie) và tài sản (tomi) để thay các tiêu chuẩn trước như nhu (onju), đôn hậu (toko), khiêm cung (kyoken) dường như đã tạo nên các thế hệ đứng đầu
nước Nhật.
Cái ghế Thủ tướng ở đất nước Mặt trời mọc có lẽ chả phải là êm ái? Chèo lái một nền kinh tế đứng vào loại hàng đầu thế giới quả là nan giải thay!
Và thời gian đảm nhận cương vị Thủ tướng ở Nhật Bản thường rất ngắn ngủi (như nhiệm kỳ thứ nhất Thủ tướng Shinzo Abe chỉ hơn một năm), nhưng nói gì thì nói, được ngồi vào ghế lãnh đạo nội các ở xứ sở hoa anh đào luôn là một vinh dự lớn. Và thường là những người tinh hoa nhất?
Nhớ thêm câu kết của ông bạn cựu báo Đại đoàn kết trong buổi chia tay khó dứt vì tôi cứ nèo thêm chuyện với vợ chồng Minh Tuấn, Shinzo Abe, ông ấy đấy!
Ngày lạnh Hà thành
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo, “Hai thủ tướng sẽ trao đổi phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư” Thủ tướng hai nước cũng sẽ tuyên bố khai mạc năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước...” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị |
Xuân Ba