SGK mới: Càng lên cao, hiệu quả càng thấp

SGK mới: Càng lên cao, hiệu quả càng thấp
TP - Nội dung chương trình SGK mới được đánh giá là có nhiều tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả dạy học chưa cao, thậm chí rất thấp ở một số khu vực, đối tượng.
SGK mới: Càng lên cao, hiệu quả càng thấp ảnh 1
Tìm mua sách, vở cho năm học mới. Ảnh: PhạmYên

Đó là kết quả nghiên cứu độc lập cấp nhà nước về triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới vừa được Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, Bộ GD&ĐT công bố.

Nội dung không phải là nguyên nhân quá tải

Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam (VN) là một trong những đơn vị tham gia công trình nghiên cứu với đề tài đánh giá quy trình, tính khoa học và tính sư phạm của chương trình, SGK mới.

Kết quả nghiên cứu đánh giá khá cao về tầm vóc bộ chương trình cũng như nội dung SGK mới. Tuy nhiên, báo cáo của tổ chức này đã đi sâu phân tích nhiều sai sót, sơ suất của chương trình và bộ SGK mới.

Về SGK cấp tiểu học, các nhà nghiên cứu của Liên hiệp Các hội KHVN cho rằng, khối lượng kiến thức SGK mới không cao hơn SGK các thời kỳ trước (nên đây không thể là nguyên nhân gây ra sự quá tải cho HS).

Lý giải về những nguyên nhân quá tải đối với HS, đại diện Liên hiệp Các hội KHVN – GS TSKH Nguyễn Hữu Tăng – nói: “Một số mâu thuẫn trong kết cấu chương trình hoặc cách đưa kiến thức vội vàng (như bài tổng hợp, trừu tượng...). Chẳng hạn, môn Toán, các kiến thức về phân số được đưa xuống lớp 2 là quá sớm. Nội dung các phân môn Tiếng Việt nặng hơn trước”.

GS TS Nguyễn Hữu Tăng còn cho rằng, có thể phần nào hiểu được sự vất vả của HS chủ yếu do cách dạy, cách học. Ngoài ra, đó là sự phức tạp hóa quá sớm một số nội dung dạy học và HS bị “quần” bởi những bài tổng hợp.

Một lý do khác, đó là nạn dạy thêm, học thêm với rất nhiều bài tập và “mẹo vặt”. Về SGK cấp THCS cũng có những nhận định tương tự…

Càng lên lớp cao, hiệu quả càng thấp

Một nhóm nhà khoa học khác nghiên cứu về khả năng tiếp nhận chương trình, SGK mới của HS tiểu học và THCS cũng đã đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa. Nhưng cách lý giải nguyên nhân hơi khác với các nhà nghiên cứu của Liên hiệp Các hội KHVN. Nhóm này chọn 1.757 HS lớp 1, lớp 3 và 1.666 HS lớp 6, lớp 8 của 5 tỉnh/ thành đại diện cho các khu vực để nghiên cứu (Hà Nội, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Kon Tum, Sơn La).

Theo kết quả nghiên cứu, mức độ lĩnh hội kiến thức của HS lớp 1 bậc tiểu học tương đối ổn: HS đạt điểm chuẩn môn Tiếng Việt và Toán đều đạt trên 90%.

Với HS lớp 3, kết quả có sự giảm xuống đáng kể: 72,89% HS đạt điểm chuẩn môn Tiếng Việt và 76,44% với môn Toán. Lên các lớp cao hơn (cấp THCS), tỷ lệ HS đạt điểm chuẩn giảm đột ngột. Kết quả đặc biệt thấp ở các môn tự nhiên (cho dù Liên hiệp Các hội KHVN đánh giá kiến thức SGK cấp THCS các môn này  thấp).

Môn Toán lớp 6 chỉ có 51,37% HS được khảo sát đạt điểm từ chuẩn trở lên; lớp 8 nhỉnh hơn một chút: 55,54%. Trong khi đó, môn Ngữ văn, môn Lịch sử lớp 6 thì tỷ lệ này đều ở mức 75 – 76%.

Từ đó, các nhà nghiên cứu nhận định, chương trình và SGK các môn Toán, Lý là khó đối với khả năng học tập của HS. Đó là lý do để nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị Bộ GD&ĐT “cần nghiên cứu để giảm tải chương trình và SGK THCS, nhất là ở các lớp trên”.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự chênh lệch quá lớn về khả năng lĩnh hội kiến thức giữa HS thành thị với HS nông thôn, miền núi. Khoảng cách này càng cách biệt khi khảo sát ở các lớp trên.

Dù nghiên cứu đối tượng thuộc lớp nào, các nhà nghiên cứu đều thấy có sự phân hóa đáng kể giữa kết quả học tập của HS ở 3 mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Trong đó, khả năng vận dụng là kém nhất. Chẳng hạn, kết quả kiểm tra của lĩnh vực Tập làm văn luôn kém nhất so với các phân môn khác trong môn Ngữ văn (thêm một minh chứng về khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt kém của HS). 

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình GD - GS TSKH Nguyễn Hữu Châu, Chủ nhiệm đề tài chương trình – SGK chỉ là một trong những yếu tố làm nên chất lượng dạy học.

Để có sự khách quan, khoa học trong nhìn nhận, đánh giá, cần có những công trình nghiên cứu về chất lượng và hiệu quả thiết bị dạy học trong nhà trường.

GS Nguyễn Hữu Châu cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần phải chuẩn bị từ bây giờ cho một cuộc cải cách giáo dục có thể bắt đầu tiến hành trong khoảng 2010 – 2015. Chương trình giáo dục trong tương lai phải khắc phục những vấn đề mà việc đổi mới lần này chưa làm được.

MỚI - NÓNG