Sếp dầu khí xin nghỉ việc ở dự án nhiệt điện tỷ USD

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vừa gửi đơn nghỉ việc lên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Lý do được ông Nguyễn Thành Hưởng trình bày là vì nhiệm kỳ đã hết (ông Hưởng được bổ nhiệm từ tháng 3/2013) và không có nguyện vọng tái bổ nhiệm. Ngoài ra, ông Hưởng cũng đề cập đến lý do muốn dành thời gian cho gia đình sau 25 năm gắn bó với ngành dầu khí.

Ông Nguyễn Thành Hưởng làm việc trong ngành dầu khí từ tháng 5/1994, tính đến nay đã sang năm thứ 25. Ông Hưởng đã tham gia nhiều chiến dịch, nhiều dự án ở các vùng khác nhau như vùng Tư chính, vịnh Bắc Bộ, vùng Thỏa thuận Thương mại, tham gia tại các dự án lớn của PVN như cụm dự án khí – điện – đạm Cà Mau, nhiệt điện Vũng Áng 1, và nay là nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong các dự án trọng điểm quốc gia do PVN làm chủ đầu tư, đại diện là Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2. Với tổng công suất 1.200 MW bao gồm 2 tổ máy, khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh/năm.

Trong đơn, ông Nguyễn Thành Hưởng cũng đề cập đến tiến độ dự án này. Hiện nay, dự án đói vốn, năng lực PVC ngày một suy giảm, tranh chấp với các nhà cung cấp thiết bị, công tác giải ngân và nhiều rủi ro bất khả kháng ập đến khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm (tiến độ đã điều chỉnh) mà vẫn còn 17% tổng khối lượng công việc đang dang dở.

Mặc dù đã nhiều lần đề xuất nhóm các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy dự án nhưng ông Hưởng cho rằng ngoài nhóm giải pháp từ vai trò chủ đầu tư (Ban QLDA là đại diện) như điều chỉnh mốc thanh toán, đôn đốc hỗ trợ nghiệm thư, điều chỉnh tỷ lệ thu hồi tạm ứng, tỷ lệ chi phí giữ lại, thanh toán trực tiếp... thì các giải pháp với vai trò công ty mẹ của Tập đoàn, nhóm giải pháp báo cáo Chính phủ, và đặc biệt là nhóm giải pháp của PVC vẫn hầu như vẫn… giậm chân tại chỗ.

“Trong khi đó, hiện vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và sự bảo đảm cho đội ngũ quản lý dự án khỏi những rủi ro pháp lý mà không phải do mình gây ra khi đối mặt với các hậu quả chậm tiến độ do những bất cập và sai phạm trước đây”, ông Hưởng băn khoăn.

Những sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã khiến một loạt cựu sếp dầu khí bị khởi tố, bắt giam và bị tòa án xét xử. Trong đó, ông Đinh La Thăng phải chịu mức án 13 năm tù giam vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô...

Theo Theo VietNamnet
MỚI - NÓNG