SEA Games vẫn nằm ở ao làng

SEA Games vẫn nằm ở ao làng
Lần nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đến SEA Games là người ta lại thấy cảnh các nước chủ nhà “làm giá” để đưa các môn thể thao mạnh của mình vào đại hội, tất nhiên các nước tham dự cũng tranh thủ ra giá để đưa các môn đặc trưng của mình vào thi đấu.

SEA Games vẫn nằm ở ao làng

> Lấp khoảng trống chờ khai mạc

> Bóng đá Thái và Việt trong mắt Kiatisuk 

Lần nào cũng vậy, cứ chuẩn bị đến SEA Games là người ta lại thấy cảnh các nước chủ nhà “làm giá” để đưa các môn thể thao mạnh của mình vào đại hội, tất nhiên các nước tham dự cũng tranh thủ ra giá để đưa các môn đặc trưng của mình vào thi đấu.

Các môn võ như Karatedo sẽ vẫn có mặt ở SEA Games vì đoàn nào cũng mạnh và còn vì việc chấm điểm khá cảm tính
Các môn võ như Karatedo sẽ vẫn có mặt ở SEA Games vì đoàn nào cũng mạnh và còn vì việc chấm điểm khá cảm tính. Ảnh: Quang Minh
 

SEA Games 2013 tổ chức ở Myanmar cũng chẳng khác là mấy, kết quả về cuộc họp của hội đồng thể thao Đông Nam Á kết thúc vào tối 29.1 đã xác tín điều này.

Biết một số nước trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam có đội tuyển bóng đá nữ khá mạnh, Myanmar đã nhứ đòn khi tuyên bố sẽ bỏ môn này giống Indonesia, bất chấp họ cũng có một đội tuyển nữ được xếp vào hạng có thể tranh chấp huy chương. Tất nhiên, đây chỉ là đòn nhứ nên cuối cùng bóng đá nữ vẫn có tên trong các môn thi đấu. Đòn thật của Myanmar nhắm vào “mỏ vàng” mà nhiều đoàn đầu tư đi theo con đường đẩy mạnh các môn thể thao chính thống của Olympic là môn thể dục dụng cụ. Bất chấp sự phản ứng của các quốc gia khác, ban tổ chức SEA Games vẫn giữ nguyên quyết định của mình, loại môn thể thao này ra khỏi đại hội. Ông Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch uỷ ban Olympic Việt Nam đã tính ngay: “Chúng ta có thể mất đến mười huy chương vàng vì bộ môn thế mạnh này không được tham dự”.

Thật ra chẳng thể trách Myanmar bởi chẳng phải chỉ một mình họ mà chính các nước trong khu vực cũng đã quá quen với màn thêm, bớt, trả giá và cả việc khá phi thể thao là phân chia huy chương. Việc này không chỉ một lần được nhắc đến công khai như một phần của đại hội “ao làng”. Lần này cũng thế, sau cuộc họp, những người “của ta” cho biết đã đề nghị đưa bộ môn lặn vào nhưng Myanmar từ chối, bù lại môn Vovinam sẽ được tham dự trong khi môn Tarung vốn là sở trường của Indonesia sẽ bị loại. Thậm chí, người ta chẳng ngần ngại tiết lộ với báo giới rằng ban tổ chức của Myanmar đã “trắng trợn” tiếp thị các môn thể thao mới lạ của mình như một hình thức “kèm theo” nếu các nước khác muốn đưa những môn thế mạnh của mình vào. Đó là lý do mà hàng loạt môn võ vốn chẳng bao giờ xuất hiện ở Olympic sẽ có mặt ở SEA Games lần này. Chưa hết, thông tin cho hay ban tổ chức SEA Games còn nhấn mạnh “môn nào mà họ không có khả năng đoạt 1/5 bộ huy chương thì sẽ không tổ chức”.

Thế nên, chẳng trách ngay sau khi cuộc họp ở Myanmar diễn ra để gút lại các môn sẽ tổ chức tại đại hội này, đoàn Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cố gắng xếp thứ ba toàn đoàn thay và đương nhiên, đoàn Myanmar là ứng viên lớn nhất cho vị trí thứ nhất, tương tự như Việt Nam đã từng đứng thứ nhất khi SEA Games được tổ chức ở quê mình.

Như vậy, sau nhiều năm hô hào cố gắng đưa đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á tiệm cận với Olympic, giúp SEA Games biến thành một đấu trường trung thực, lành mạnh để các vận động viên cọ xát nhiều hơn nhằm chiếm lĩnh các vị trí cao ở Olympic, cuối cùng, SEA Games vẫn chỉ nằm ở cái “ao làng”, nơi mà mọi sự thành bại đã được ra giá từ trước bằng những cái bắt tay lỏng với nụ cười lơi, nơi mà những con tính cỏn con rằng làm thế nào để thắng nhiều nhất, bất chấp ngượng ngùng.

Nhưng, không có SEA Games thì quả thật chẳng biết các nước có nền thể thao “hùng mạnh” ở các môn lạ đời trong khu vực Đông Nam Á sẽ lấy gì làm phép thắng lợi tinh thần. Chắc tại vì vậy nên thôi, kệ!

Theo Thảo Du
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG