Sẽ ký hiệp ước khí hậu toàn cầu

Sẽ ký hiệp ước khí hậu toàn cầu
TP - Ngày 11-12, các nhà đàm phán khí hậu khắp thế giới đồng ý sẽ ký hiệp ước mới, theo đó, lần đầu tiên buộc những nước gây ô nhiễm nhiều nhất xử lý việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17), diễn ra ở Durban, Nam Phi. Các đại biểu COP 17 đồng ý rằng, tháng sau sẽ bắt đầu soạn thảo một hiệp ước giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hiệp ước sẽ được ký vào năm 2015 và có hiệu lực từ 2020. Quá trình này, được gọi là Nền tảng Durban để tăng cường hành động, sẽ phát triển một nghị định thư mới có tính ràng buộc pháp lý toàn cầu, được áp dụng như một công ước khí hậu Liên Hợp Quốc.

Sự đồng thuận này đạt được sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, đặc biệt giữa những nước phát thải nhiều khí carbon. Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Anh, ông Chris Huhne, nói: “Chúng ta đã thành công trong việc đưa những nước phát thải lớn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… vào lộ trình giúp đảm bảo đạt được một thỏa thuận toàn cầu”.

Theo thỏa thuận mở rộng Nghị định thư Kyoto (văn kiện mang tính toàn cầu duy nhất buộc các nước giảm lượng phát thải carbon), thế giới sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ để giúp những nước nghèo phòng chống biến đổi khí hậu và vạch lộ trình cho một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về giảm phát thải. “Chúng ta đến đây với kế hoạch A và chúng ta kết luận rằng, cuộc họp này với kế hoạch A nhằm cứu hành tinh cho tương lai con cháu chúng ta. Chúng ta đã làm nên lịch sử”, Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane, người chủ trì COP 17, kết luận hội nghị.

Các nước phát triển đã chấp nhận các mục tiêu chính thức nêu trong giai đoạn một của Nghị định thư Kyoto dự kiến hết hạn vào cuối năm sau. Thỏa thuận đạt được hôm qua gia hạn Nghị định thư Kyoto đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thỏa thuận mới không đủ mạnh để làm giảm tốc độ trái đất ấm lên. Nhiều quốc đảo và nước đang phát triển có nguy cơ bị ngập lụt vì nước biển dâng và thời tiết cực đoan nói rằng, thỏa thuận đạt được ngày 11-12 chỉ đạt được mẫu số chung tối thiểu, thiếu tham vọng cần thiết để bảo đảm sự tồn tại của họ. Theo nhiều nhà môi trường, các chính phủ đã lãng phí thời gian quý báu khi tập trung quá nhiều vào câu chữ khi đàm phán khí hậu; họ đã thất bại trong việc nâng mức giảm phát thải.

Tháng trước, các báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, việc trì hoãn ký thỏa thuận toàn cầu về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến mục tiêu giữ nhiệt độ tăng không quá 20C trong thế kỷ tới khó đạt
được hơn.

Thái An
(theo Reuters, BBC)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG