Mỵ show

Sẽ hút khách quốc tế đến Nhà hát Lớn?

Mỵ show mở màn cho chuỗi chương trình phục vụ du khách tại Nhà hát Lớn
Mỵ show mở màn cho chuỗi chương trình phục vụ du khách tại Nhà hát Lớn
TP - Mỵ show, vở diễn lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) không dừng lại ở một tác phẩm dự thi và đạt giải cao, hứa hẹn trở thành một trong những tác phẩm phục vụ du khách quốc tế định kỳ tại Nhà hát Lớn.

VĂN HÓA MÔNG VÀO NHÀ HÁT
Truyện Vợ chồng A Phủ được đưa lên sàn diễn Nhà hát Lớn thông qua ngôn ngữ múa và ca kịch trong Mỵ. Trước khi xuất hiện ở Nhà hát Lớn, Mỵ của biên đạo múa Tuyết Minh do dàn nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thể hiện làm nên chuyện tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018: vở được giải Chương trình ấn tượng, nghệ sĩ Tuyết Minh nhận giải Biên đạo múa xuất sắc. 
Sau thời gian trì hoãn, Mỵ show ra mắt khán giả đêm đầu tiên 11/10. Không đi sâu vào nỗi đau và thân phận của Mỵ và A Phủ trong nhà thống lý Pá Tra, mục đích của những người dàn dựng là giới thiệu văn hóa Mông, văn hóa Tây Bắc. Ba phần của vở Mỵ gồm Lời yêu trên đỉnh núi, Con ma nhà thống lý và Chạy đi. Không chỉ có văn hóa Mông đặc sắc, ê kíp cũng tái hiện những phận người câm lặng, tủi hổ như Mỵ và A Phủ trong thời thống trị của chúa đất với hình ảnh tra tấn được thể hiện sinh động qua ngôn ngữ hình thể của múa đương đại, xiếc và ánh sáng.
Mỵ show mang lại cảm giác mới lạ. So với các trích đoạn chèo, hầu đồng được khai thác trong du lịch, những vở công phu như xiếc Làng tôi, À ố show, Mỵ khác lạ ở không khí văn hóa Mông đậm đặc được tái hiện ở Nhà hát Lớn. Những nét văn hoá đặc sặc nhất của người Mông được “bưng” vào vở diễn, nào màn múa hát của những cô gái Mông trong khung cảnh mùa xuân trữ tình, trò chơi dân gian do đám trai Mông chơi hội, dụng cụ lao động hàng ngày và thậm chí là dao thớt, chảo thắng cố nghi ngút khói. Nhạc công chơi nhạc sống được sắp đặt ngồi lẫn trong khung cảnh núi non Tây Bắc.
Ba tỷ đồng là con số kinh phí bỏ ra đầu tư cho Mỵ chứ chẳng đùa. Số lượng diễn viên hùng hậu, ê kíp kết hợp múa với hát, nghệ thuật xiếc và sắp đặt làm nên vở diễn khá hấp dẫn. Nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn sáng tác ca khúc mới cho Mỵ , chất liệu đều mang màu sắc bản địa. Trang phục cũng là điểm cộng. Nhà thiết kế Hoàng Tùng kỳ công in hoa văn của người Mông rồi tỉ mẩn vẽ tay, in vải và thiết kế hàng chục bộ trang phục Mông vừa đảm bảo yêu cầu linh hoạt cho diễn viên, quan trọng nhất là đẹp mắt. 

LÀM DU LỊCH THẾ NÀO?
Tham vọng của những người sáng tạo Mỵ là lan tỏa văn hóa Mông thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại dễ cảm thụ. Vở diễn không chịu cảnh thi xong rồi cất kho, bởi công ty Nam Hưng phối hợp Bộ VHTT&DL cố gắng đưa vở diễn vào chương trình phục vụ du khách tại Nhà hát Lớn. Trước khi diễn khoảng bảy đêm từ nay hết năm, ê kíp dành đêm công diễn đầu tiên ở Nhà hát Lớn cho báo giới và khá nhiều đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch để đo phản ứng. 
Xem xét vở diễn dưới góc độ tác phẩm phục vụ du khách quốc tế, ông Hoàng Sơn (Công ty Lữ hành Prestige Việt Nam) cho rằng nội dung hơi khó hiểu đối với người nước ngoài. “Phần giới thiệu ban đầu hoàn toàn bằng tiếng Việt, không có dẫn bằng tiếng Anh chứ chưa nói tới các thứ tiếng khác như Trung, Nhật”, ông Sơn nói. Ông cũng cho rằng nửa đầu vở diễn “hơi buồn ngủ”. Tiết tấu của phần đầu Lời yêu trên đỉnh núi có phần chậm hơn, nhiều đoạn còn rườm rà. Biên đạo múa Tuyết Minh và đơn vị sản xuất hứa hẹn rút gọn thời lượng phục vụ du khách xuống dưới một tiếng, như thế vừa đẹp. Khiếm khuyết về tài liệu giới thiệu bằng tiếng Anh có lẽ không quá khó nếu muốn phục vụ khách chuyên nghiệp nhất.
Hướng dẫn viên Vũ Thái Chính - chuyên dòng khách Nhật lại tỏ ra thích thú với Mỵ bởi “vở diễn công phu, đẹp về phần nhìn và nội dung hấp dẫn”. Dù vậy ông cũng thừa nhận nội dung sẽ khó hiểu đối với du khách quốc tế, hướng dẫn viên cũng không dễ giới thiệu. Không giống những show giới thiệu nhạc cụ dân tộc và trang phục dân tộc, ông Chính đánh giá tiềm năng của Mỵ show ở sự hấp dẫn, mới lạ về hình thức múa kết hợp nhạc kịch. “Tôi tin khách Nhật sẽ rất thích show này. Tất nhiên kỹ thuật biểu diễn của diễn viên cần tinh tế, chỉn chu hơn nữa, nhưng nếu biểu diễn nhiều họ sẽ nhuần nhuyễn hơn”, ông Chính nói. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch đồng tình, cho rằng vở diễn đủ hấp dẫn, hội đủ các yếu tố để đưa vào phục vụ du khách.

Một trong những vấn đề băn khoăn nhất của công ty lữ hành, du lịch là giá vé. Trong phiếu khảo sát do đơn vị sản xuất đưa ra có nhiều mức giá tham khảo, có mức giá lên tới hơn một triệu đồng. Ông Hoàng Sơn cho rằng tùy thuộc vào tính chất vở diễn và mong muốn của ê kíp sáng tạo để đề xuất mức giá hợp lý. Thực tế À ố show giá bán công khai lên tới 700-800 ngàn, show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ giá cũng không rẻ, tuy nhiên Hà Nội cũng có những lựa chọn giá rẻ và quen thuộc hơn cho du khách như rối nước. Đại diện một số công ty lữ hành mong muốn mức giá hợp lý để quảng bá, thu hút du khách cho điểm nhấn mới ở Nhà hát Lớn trong tương lai.

Mở lại tour tham quan Nhà hát Lớn
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết vì lí do sửa chữa nhà hát và một số nguyên nhân, tour tham quan Nhà hát Lớn tạm dừng, sẽ khởi động lại vào đầu năm 2019. “Chúng tôi sẽ đưa Mỵ vào phục vụ khách quốc tế kết hợp tour tham quan Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn không nên chỉ được biết đến như một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, đây còn là nơi biểu diễn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật đặc sắc của nền nghệ thuật biểu diễn đương đại”, bà Nguyệt nói. Chưa thông tin cụ thể về kế hoạch mở lại tour và thiết kế chương trình nghệ thuật, nhưng lãnh đạo Nhà hát Lớn hứa hẹn không chỉ có vở Mỵ phục vụ khách.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Nam Hưng Media, Giám đốc sản xuất Nam An show cho biết, Mỵ chỉ là show mở màn cho chuỗi chương trình chất lượng ở Nhà hát Lớn. Đơn vị này sẽ mời nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật dàn dựng những vở diễn có chất lượng phục vụ khán giả, khách quốc tế.

Sẽ hút khách quốc tế đến Nhà hát Lớn? ảnh 1
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.