Sẽ có 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam sẽ có các Trung tâm Quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Việt Nam sẽ có các Trung tâm Quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao được thành lập tại các trường cao đẳng nghề phân theo 3 miền Bắc – Trung – Nam. Các trung tâm này được đặt trong mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Để chuẩn bị cho việc thành lập 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức hội thảo quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm các nước đã triển khai, từ đó đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho Việt Nam.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức cho nền kinh tế nói chung và hệ thống GDNN nói riêng. Điều này đặt ra bài toán về nội dung, ngành nghề đào tạo trong bối cảnh mới. Hiện 70% lực lượng lao động có tay nghề được cung cấp bởi hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Bình, để thực hiện các mục tiêu về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, rất cần khẩn trương đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến thành lập Trung tâm Quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, với mục tiêu tới năm 2025 sẽ hình thành 3 trung tâm, dự kiến đặt tại các trường cao đẳng nghề, gồm: Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất (Quãng Ngãi), Cao đẳng kỹ nghệ II (TPHCM). Đến năm 2030 có thể nâng lên 5 trung tâm.

“Mô hình Trung tâm Quốc gia này phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở GDNN. Các trung tâm sẽ tiên phong đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế, chuyển giao các chương trình giảng dạy mới”, ông Bình nói và kỳ vọng, các trung tâm sẽ cung cấp kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới. Điều này có thể cho phép GDNN trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.

TS. Jurgen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam về mô hình về giáo dục kép ở Đức chia sẻ, ở Đức có hơn 1.000 trung tâm về đào tạo nghề chất lượng cao với tiêu chuẩn kỹ năng nghề được công nhận trên toàn quốc. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ chọn học viên và gửi tới các trung tâm đào tạo theo phưng thức vừa thực tập vừa làm. Đồng thời, các trường cũng cung cấp gói đào tạo thường xuyên, nâng cao kỹ năng cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp.

TS. Jurgen Hartwig khuyến nghị, Việt Nam cần bắt đầu từ chức năng chính là cơ sở GDNN thay đổi thế nào? Đơn cử như về đào tạo, không chỉ cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao, mà trường nghề, cao đẳng cũng cần đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...

Bà Sabrina Loi, Giám đốc điều hành ITE của Singapore chia sẻ, thực tế vẫn đã số phụ huynh muốn con mình vào đại học, xem đó là lựa chọn tối ưu nhất, thực tế cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam. Do đó, điều cốt yếu, theo bà Sabrina Loi là tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức này, để các bậc phụ huynh thấy con em mình học GDNN cũng tốt như đại học.

Ông John Tucker, Đại diện về mô hình trường cao đẳng nghề chất lượng cao của Úc cho hay, hệ thống GDNN dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, xác định kết quả chuẩn đầu ra cho đào tạo. Đặc biệt, giảng viên cũng không nhất thiết phải học đại học, chỉ cần có kinh nghiệm làm việc trên thực tế, một năm giảng viên có ít nhất 2 tuần đi đến doanh nghiệp làm việc, từ đó làm mới kỹ năng trên thực tế.

Với mô hình viện chuyển giao kỹ năng toàn cầu của Hàn Quốc, ông Ji-Hyeon Noh, Giám đốc Bộ phận hợp tác Phát triển NNL toàn cầu, Viện GIFTS Hàn Quốc cho biết: Viện này có nhiệm vụ tìm kiếm và bồi dưỡng những nghệ nhân của Hàn Quốc trong tương lai thông qua các chương trình chuyển giao kỹ năng, cố vấn và truyền đạt kinh nghiệm kỹ năng; đào tạo các kỹ thuật viên lành nghề thông qua việc tổ chức cuộc thi kỹ năng nghề và tham gia Cuộc thi kỹ năng nghề thế giới; hỗ trợ khởi nghiệp cho các kỹ thuật viên; hợp tác quốc tế để thúc đẩy công nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ; tổ chức các khóa đào tạo mời các quan chức cấp cao, cán bộ và giảng viên, kỹ thuật viên tham gia để chia sẻ kinh nghiệm phát triển, kiến thức và kỹ năng…

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, các khuyến nghị của các chuyên gia là những thông tin hết sức quan trọng, hữu ích trong quá trình xây dựng mô hình 3 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.