Sẽ cấp biển số xe đạp điện?

Sẽ cấp biển số xe đạp điện?
TP - Số lượng xe đạp điện gần đây tăng đột biến và sẽ phổ biến trong tương lai gần. Cơ quan quản lý lúng túng, chuyên gia giao thông cho rằng, nên cấp biển số.

> Xe đạp điện đầu trần lướt phố
> Xử lý nghiêm người đi xe đạp điện vi phạm

Tránh xe đạp điện, chẳng xấu mặt nào

Việc nhà nước cấp biển số giúp người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp; vào bãi gửi xe có cái để ghi nhận. Với Nhà nước sẽ thuận tiện trong xác định cơ sở xử lý vi phạm, xác định người điều khiển phương tiện... 

TS. Nguyễn Xuân Thủy

Chưa có con số thống kê chính thức về số lượng xe đạp điện, xe máy điện lưu thông; tuy nhiên, bằng trực quan có thể thấy số lượng phương tiện này đang tăng mạnh. Trên các ngả đường trong nhiều thành phố, ở đâu cũng thấy người điều khiển xe đạp điện phóng tốc độ cao lạng lách, đánh võng không thua gì xe gắn máy.

Hiện tượng này đã gây nhức nhối, nhất là khi các học sinh tan trường. Nhiều người đi đường thậm chí thấy xe đạp điện do những thanh niên trẻ điều khiển đã vội nép từ xa.

Một chuyên gia giao thông cho biết, lực lượng CSGT vốn đã bận bịu với “ma trận” giao thông, nay thỉnh thoảng phải lập chuyên đề xử lý người đi xe đạp điện vi phạm. Nếu không tìm cách quản lý sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn xe đạp điện. Chưa kể tới việc xử lý những bình ắc quy thải loại sau này sẽ ra sao.

Trong các quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, phương tiện này được phân thành 2 loại: Xe máy điện và xe đạp điện.

Tuy nhiên, trên thực tế, khó phân biệt 2 loại phương tiện này. Chủ một cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), nói: “Về nguyên lý, xe đạp điện và xe máy điện không khác nhau. Xe to hơn được gọi là xe máy, nhỏ hơn gọi xe đạp. Chưa chắc xe nhỏ có tốc độ thấp hơn xe to”.

Chủ đại lý này còn cho biết, cả xe máy và xe đạp điện khi mua chỉ cần một hoá đơn bán hàng, một giấy bảo hành, không cần số khung số máy đăng ký. Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng Quản lý đăng ký xe (Phòng CSGT) Hà Nội cho biết, loại phương tiện này cần phải có số khung, số máy để tiện xác định xử lý khi người điều khiển vi phạm.

Theo Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng, 2 loại này chỉ phân biệt bằng cách: Có bàn đạp (nghĩa là xe đạp điện) hay không. Cũng theo đó, Bộ GTVT đã nhận thức được việc này và đã có đề xuất với cơ quan chức năng nhằm sửa Luật Giao thông đường bộ để quản lý loại phương tiện trên một cách hiệu quả.

Tương lai gần, xe đạp điện sẽ được gắn biển số?. Ảnh: S.L
Tương lai gần, xe đạp điện sẽ được gắn biển số?. Ảnh: S.L.

Xe đạp điện, xe máy điện là một? 

Trong các nỗ lực quản lý, để giảm tai nạn giao thông đối với loại phương tiện này, Bộ GTVT đang xây dựng các quy định quản lý như chuẩn bị ban hành quy chuẩn đối với xe đạp điện (có tốc độ dưới 25 km/h, bàn đạp). Đối với xe máy điện, Bộ GTVT sẽ quy định phải đăng ký, cấp biển số giống như xe máy chạy bằng động cơ xăng.

Tuy nhiên, nỗ lực “chia để trị” này đang gặp khó khăn. Một cán bộ thuộc Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT cho biết: Việc phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện chỉ có thể xác định được trên giấy tờ; quan sát trực tiếp phương tiện khó có thể phân biệt.

Vị này cũng tiết lộ, trong bản góp ý của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt về vấn đề này, cho rằng, phân biệt 2 loại phương tiện để có những chế tài riêng trong xử lý là khó khả thi.

TS giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, xe đạp điện là loại phương tiện có giá thành hợp lý, tốc độ cao, giảm ô nhiễm môi trường (không sử dụng xăng dầu, giảm tiếng ồn).

Trong tương lai, loại phương tiện này sẽ tiếp tục được cải tiến, tăng số lượng, thay thế dần xe máy chạy bằng động cơ xăng. Vì thế, tăng cường quản lý nhà nước là cần thiết. Theo TS Thủy, việc phân biệt rạch ròi xe máy điện và xe đạp điện là khó khả thi.

“Về mặt kỹ thuật, 2 phương tiện này có nguyên lý hoạt động giống nhau. Bộ GTVT nên gộp 2 loại phương tiện này làm một và có chế tài quản lý, xử lý vi phạm giống như xe máy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG