Đem chuông đi đánh xứ người
Tháng 7/2019 tại London, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với các đối tác Anh quốc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Anh hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chính sách đổi mới của Chính phủ Việt Nam, củng cố lòng tin của nhà đầu tư Anh quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam
Tại hội nghị, các nhà đầu tư tại Anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin trực tiếp từ lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tại Việt Nam. Trong phần thảo luận “Từ chính sách đến thực tế”, SCIC đã chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư Anh về lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được SCIC triển khai. Dự kiến trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC tiến hành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp và bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch hội đồng thành viên SCIC cho biết trong thời gian qua, SCIC đã chào bán nhiều thương vụ thu hút đông đảo các nhà đầu tư quốc tế và trong nước tham gia. Chẳng hạn, hai đợt chào bán cổ phiếu VNM năm 2016 và 2017 với tổng cộng 8,73% vốn, thu về 20.276 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD); bán thành công 29,49% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh thu về 2.329,6 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD); bán thành công 57% vốn Vinaconex thu về gần 300 triệu USD...
“Trong thời gian tới SCIC sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như FPT, Bảo hiểm Bảo Minh,.... Đây là những DN đang kinh doanh hiệu quả và là DN đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Việt Nam là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài mua được số lượng lớn cổ phần để đầu tư lâu dài cùng doanh nghiệp Việt Nam”, ông Chi khẳng định.
Mong muốn sự hợp tác từ nhà đầu tư ngoại
Theo lãnh đạo SCIC, với việc cùng Bộ Tài chính có mặt trong chuyến đi xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp này thực sự mong muốn có sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để cùng SCIC đầu tư vào các dự án trong một số lĩnh vực như Viễn thông (cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông); Y tế (xây dựng bệnh viện, cung cấp và sản xuất thuốc chuyên ngành, vắc-xin); Công nghệ thông tin (cung cấp hạ tầng thông tin); Công nghiệp - xây dựng (cơ sở hạ tầng, cơ sở công nghệ cao, cảng biển, cảng hàng không); Điện nước; Năng lượng khai khoáng; Bất động sản... Hình thức hợp tác có thể là góp vốn thành lập mới; tham gia vào doanh nghiệp dự án; tham gia với tư cách nhà đầu tư thứ cấp; theo hình thức hợp tác kinh doanh (BCC); Tham gia vào quá trình phát triển dự án (thiết kế, xây lắp, khai thác, vận hành).
Việt Nam gần đây đã ký các hiệp định kinh tế quốc tế mới như CPTPP và EVFTA, trước câu hỏi các hiện định kinh tế quốc tế có tác động gì đối với các cải cách cần thiết để thúc đẩy thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước? Đại diện lãnh đạo SCIC đã chỉ ra: Thứ nhất, việc thay đổi, cải tiến các quy định pháp lý sẽ có tác động tích cực tới việc mở cửa thị trường, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Động thái trên sẽ tạo điều kiện cho SCIC thúc đẩy công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và bán vốn nhà nước ở DN. Cùng đó, sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mà SCIC đang nắm giữ vốn, đặc biệt như Tập đoàn dệt may Việt Nam (VGT), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (SEA), Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN).... Nhận định được thay đổi này SCIC đã và đang xây dựng một chương trình hành động nhằm hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp để tận dụng được những cơ hội mà các hiệp định này đem lại.
Những cải cách mới nào được kỳ vọng có thể thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng thực sự, và mục tiêu thoái vốn trong năm 2019 và 2020 là gì? Theo SCIC, Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp DNNN; trọng tâm là cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại DN, trong đó xác định rõ tiêu chí phân loại và danh mục DN phải hoàn thành triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, SCIC sẽ phải triển khai cổ phần hóa và bán vốn tại hầu hết các DN trong danh mục. Với quyết sách như vậy, thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia sâu vào quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của các DNNN ở Việt Nam nói chung và các DN trong danh mục của SCIC nói riêng.
Nhà máy Dược Hậu Giang, một trong những doanh nghiệp SCIC có đại diện phần vốn Nhà nước luôn hoạt động kinh doanh hiệu quả
“Mục tiêu thoái vốn của chúng tôi là thoái được nhiều nhất có thể những DN trong danh mục SCIC cần thoái vốn từ nay đến hết năm 2020”.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC
Chiến lược Phát triển SCIC đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đang trình cấp có thẩm quyền nếu rõ trong 5 năm tới: “SCIC sẽ trở thành tổ chức đầu tư tài chính hàng đầu Việt Nam; một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và/hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ”.
Tính đến 30/6/2019, tổng danh mục đầu tư do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, với số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.947 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng, bao gồm: 139 Công ty cổ phần; 01 Công ty TNHH 2 thành viên; 04 Công ty TNHH 1 thành viên; trong đó, có vốn nhà nước tại 11 Tổng công ty gồm: TCTCP Bảo Minh, TCT Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam, TCT Thăng Long, TCT Thiết bị Y tế Việt Nam, Seaprodex, Cienco 5, Cienco 8, Viettronics, Vinare, Vocarimex và Tổng công ty Thép Việt Nam; và 2 Tập đoàn là Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 259 lượt người đại diện, trong đó có 180 lượt người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (69,5%).Kết quả công tác đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy hoạt động của người đại diện tại doanh nghiệp ngày càng đạt hiệu quả tích cực, giúp SCIC thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của cổ đông tại doanh nghiệp.