Ông Nguyễn Chí Thành – Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – chia sẻ như trên về chiến lược đầu tư của SCIC giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2035.
Đầu tư đúng định hướng và đạt hiệu quả cao
Theo ông Thành, SCIC được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, SCIC đã tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần nắm giữ chi phối, qua đó tăng cường vai trò chủ đạo, định hướng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư của SCIC đã được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, đảm bảo định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD tại doanh nghiệp; đạt hiệu quả tích cực, giúp bảo toàn giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước. SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Tỷ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư (ROE) trong giai đoạn 2006-2019 đạt 13%.
Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 22/5/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận cuộc họp ngày 29/4/2020 về định hướng chiến lược phát triển của SCIC (Thông báo 186), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá: “Hoạt động đầu tư của SCIC đạt kết quả tích cực, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2006 – 2019 đạt 13%”.
Mặc dù hoạt động đầu tư của SCIC đã đạt kết quả bước đầu nhưng xét theo vị thế và tầm ảnh hưởng đem lại, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là vướng mắc pháp lý về: thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC, ngành, lĩnh vực được phép đầu tư; Chiến lược Phát triển chưa được phê duyệt… nên hoạt đông đầu tư của SCIC trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như chưa đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ. Vai trò của SCIC với tư cách nhà đầu tư của Chính phủ chưa rõ nét, chưa có tác động lan tỏa trong nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra khi thành lập SCIC.
Phát huy hơn nữa vai trò của SCIC, tại Thông báo 186, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo về định hướng chiến lược đầu tư của SCIC:
“SCIC cần có chiến lược đúng, phát triển đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường để góp phần cùng các tập đoàn, tổng công tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo nguồn lực lớn để phát triển kinh tế xã hội” và
“Xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu chiến lược chuyên nghiệp của Chính phủ; quy mô tăng vốn cần thiết. Nghiên cứu mô hình Quỹ đầu tư lớn của Chính phủ các nước (mô hình Temasek của Singapore) để có định hướng phát triển lên quy mô lớn, hiệu quả”.
Hướng tới mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ
Thực hiện sứ mệnh, chức năng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, ông Nguyễn Chí Thành khẳng định: SCIC đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược Phát triển giai đoạn đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ” và hướng tới trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2035. Hoạt động đầu tư là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của SCIC. Đặc biệt là trong giai đoạn từ 2020 trở đi, sau khi nhiệm vụ tiếp nhận và tái cơ cấu doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các quỹ đầu tư chính phủ (QĐTCP) ở nhiều nước trên thế giới: thời gian đầu tích lũy nguồn lực và kinh nghiệm từ việc quản trị danh mục được chính phủ giao quản lý, sau đó đi đôi với việc thoái vốn sẽ chuyển hướng dần sang hoạt động đầu tư, từng bước đẩy mạnh đầu tư trong nước cũng như quốc tế.
Với quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy sau 14 năm hoạt động, SCIC đang có những điểm tương đồng nhất định với các quỹ đầu tư chính phủ. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam, mô hình quỹ đầu tư chính phủ mà SCIC hướng tới không hoàn toàn giống như các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại nước ngoài là chính, SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm đòi hỏi phải có sự tham gia của nhà nước. Việc đầu tư vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC và được thể hiện xuyên suốt từ khi thành lập đến nay.
Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC như: uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và dinh doanh vốn nhà nước; năng lực tài chính vượt trội; lợi thế về nguồn vốn, quỹ đất, kinh nghiệm triển khai dự án và kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư của SCIC; kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ của SCIC qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại gần 1.100 doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2020-2035, SCIC định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, SCIC sẽ đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...)… và tài chính ngân hàng.
Về quy mô đầu tư, SCIC đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng tài sản đạt khoảng 82.000 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Trong giai đoạn 2020-2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận, giá trị bán vốn tại doanh nghiệp hiện hữu được xác định trên cơ sở danh mục 31/12/2019, nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm… dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng.
“Hiện SCIC đang tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của nhà nước có nhu cầu vốn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam, Vietnam Airlines, PVGas, đầu tư mua cổ phần tại một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Kiến nghị đề xuất
Để thực hiện được vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, một số khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư của SCIC cần được tháo gỡ. Tại Thông báo 186, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ một số một số vướng mắc của SCIC v ngành, lĩnh vực đầu tư; thẩm quyền ra quyết định đầu tư; phê duyệt vốn điều lệ của SCIC”.
Bên cạnh đó, SCIC kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù điều chỉnh hoạt động của SCIC với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ, thay vì chỉ áp dụng các quy định chung đối với các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Chẳng hạn, các quy định đối với việc thẩm định cơ hội đầu tư, ra quyết định đầu tư, quản lý sau đầu tư, hạch toán và đánh giá hiệu quả đầu tư… Việc đánh giá hiệu quả đầu tư cần được thực hiện cho toàn bộ danh mục đầu tư, thay vì từng khoản đầu tư riêng lẻ và cá biệt.
Về phần mình, SCIC sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình quản trị liên quan đến hoạt động đầu tư. Hiện nay, SCIC đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 – đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian tới. Sau khi dự thảo Chiến lược được chính thức thông qua, SCIC cần triển khai rà soát khung pháp lý hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền định hướng xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của quỹ đầu tư chính phủ.
Về nguồn vốn, trong năm 2020, SCIC sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt mức vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 148 và có lộ trình tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ do Chính phủ giao phó.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực, trong thời gian tới SCIC sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo theo hướng chuyển đổi từ hoạt động quản trị doanh nghiệp sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, xây dựng cơ chế tiền lương để thu hút các chuyên gia có trình độ cao về quản lý quỹ đầu tư cũng như các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực then chốt./.