Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho SCIC |
Tại hội nghị, lãnh đạo SCIC cho biết, đến ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư của Tổng công ty (còn lại sau khi bán vốn và chuyển giao lại một số doanh nghiệp công ích cho địa phương) bao gồm 126 doanh nghiệp. Tổng vốn theo giá trị sổ sách 47.344 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng, bao gồm: 121 Công ty cổ phần; 1 Công ty TNHH 2 thành viên; 4 Công ty TNHH MTV.
Ông Lê Thanh Tuấn - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, người đại diện có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả quản lý vốn đầu tư của SCIC tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, sau khi tiếp nhận quản lý phần vốn nhà nước, Tổng công ty đã từng bước kiện toàn hệ thống Người đại diện.
Theo số liệu của SCIC, tính đến 30/9, tổng số người đại diện của SCIC là 203 người. Trong đó, có 139 Người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (59,15%); 1 Người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử làm đại diện và được Tổng công ty kế thừa, ủy quyền tiếp tục làm Người đại diện khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Người đại diện là công chức, chiếm 0,43%). Đối với một số doanh nghiệp quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, Tổng công ty trực tiếp cử cán bộ của Tổng công ty làm Người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp (63 người – 40,42%).
Người đại diện thuộc SCIC nhận khen thưởng |
“So với 10 năm về trước, tỷ lệ Người đại diện là cán bộ doanh nghiệp giảm 25,2%, Người đại diện là cán bộ Tổng công ty tăng 31,88%, đặc biệt tỷ lệ Người đại diện là công chức giảm 6,68%. Đây là kết quả kiện toàn hệ thống Người đại diện của Tổng công ty theo hướng thay thế dần Người đại diện là cán bộ các cơ quan Nhà nước; tăng cường cử cán bộ Tổng công ty, cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp làm đại diện vốn tại các doanh nghiệp quan trọng, có quy mô lớn hoặc tại các doanh nghiệp phát sinh những vấn đề phức tạp”, lãnh đạo SCIC cho biết.
Thời gian tới, SCIC tiếp tục hoàn thiện các quy định của Tổng công ty về công tác Người đại diện. Theo đó, SCIC đề xuất cơ quan chức năng có chế độ thù lao, phụ cấp cho Người đại diện; cơ chế chi thưởng cho Người đại diện xứng đáng với thành tích và đóng góp của Người đại diện. Cơ chế, chính sách cho Người đại diện sau khi Nhà nước bán hết vốn tại doanh nghiệp.
“Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho Người đại diện là lãnh đạo của doanh nghiệp, Tổng công ty sẽ tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp kiện toàn đội ngũ lãnh đạo thông qua việc sắp xếp lại, bổ sung mới và cử biệt phái cán bộ Tổng công ty nếu cần thiết. Đồng thời, tăng cường triển khai các khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để cập nhật thông tin tới lãnh đạo doanh nghiệp và đào tạo các cán bộ trong quy hoạch để xây dựng đội ngũ kế cận”, SCIC cho biết.