Việc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt ( thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh), đơn vị trúng thầu lô đất 3-12 (diện tích gần 10.060m2) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (tương đương 2,4 tỷ đồng/m2) vừa thông báo chấm dứt Hợp đồng đấu giá đúng sau 1 tháng diễn ra phiên đấu giá khiến cho dư luận bất ngờ.
Trước đó trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan việc đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng hiện nay hành lang pháp lý đối với đấu giá tài sản ở nước ta còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, ông Châu chỉ ra Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” (đặt cọc) với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (TSĐG)” nhưng lại không quy định NĐT phải nộp thêm “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung “tiền đặt trước”, hay có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp NĐT “trả giá” TSĐG cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm của TSĐG” để chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của NĐT.
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ lô 3 - 12 ở Thủ Thiêm có giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng, “tiền đặt trước” (20%) là 588,4 tỷ đồng, nhưng giá trúng đấu giá đã lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 41,6 lần số “tiền đặt trước”.
Bên cạnh đó ông Châu nêu quan điểm do Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của NĐT để tham gia đấu giá nên các đơn vị đấu giá hiện nay như “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp TP HCM phải tự ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu NĐT “phải thực hiện cam kết bằng văn bản”. Tuy nhiên Chủ tịch HoREA cho rằng việc này hiện nay chỉ có tính hình thức và lỏng lẻo.
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA) cho rằng từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, chúng ta cần có sự thay đổi đối với quy định về "khoản tiền đặt trước" để chứng minh khả năng tài chính của đơn vị trúng thầu. (Ảnh: H.Long) |
Ngoài ra HoREA còn đề nghị xem xét sửa đổi về việc NĐT phải nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá theo hướng quy định NĐT chỉ được “trả giá” lô đất đấu giá “khi có đủ tiền trên tài khoản”, hoặc “khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá”, “khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng"; hoặc đề nghị xem xét việc NĐT đã nộp “tiền đặt trước” chỉ được trả giá không vượt quá “ngưỡng giá” (quy định chỉ gấp rưỡi giá khởi điểm), nếu vượt quá “ngưỡng giá” thì NĐT chỉ được “trả giá” lô đất đấu giá “khi có đủ tiền trên tài khoản”, hoặc “khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá”, hoặc “khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”.
Ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành BĐS - Đại học kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Việc đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam đặt ra những vấn đề lý luận về pháp lý cũng như thực trạng triển khai tại từng dự án cụ thể. Mỗi dự án đều có những vấn đề phát sinh, Nhà nước và các bên tham gia cần có đóng góp ý kiến về phương hướng và giải pháp cơ bản để hoàn thiện pháp luật về đấu giá, chẳng hạn như: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, Tăng cường năng lực và hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý vi phạm sau đấu giá; tăng cường quản lý các hoạt động giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đấu giá…”.
Các chuyên gia BĐS cho rằng câu chuyện đấu giá đất cao rồi bỏ cọc của Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm chắc chắn sẽ đưa đến những hệ quả tiêu cực và tích cực khiến thị trường BĐS khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó việc chúng ta cần nhìn nhận lại các quy định và hành lang pháp lý về đấu giá đất để đưa ra giải pháp đối với "vé vào cửa" trong các cuộc đấu giá giữa bối cảnh mới nhằm điều tiết thị trường phát triển ổn định, bền vững là hoàn toàn cần thiết...