Tại những điểm này, người bán trưng bảng quảng cáo rất to ghi rõ: "Sầu riêng rụng 30k/trái bao ăn" nên thu hút rất nhiều người đi đường dừng lại tìm hiểu hoặc hỏi mua.
Tại một điểm bán trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, một khách hàng tên Trương Hải Yến cho biết do đi đường thấy sầu riêng bán giá quá rẻ nên mua 2 trái về ăn thử. Nếm thử tại chỗ, chị Yến nhận xét sầu riêng ngọt, thơm, không bị đắng nhưng khuyết điểm là hột to, cơm mỏng và nhão.
Theo ghi nhận, tại các điểm bán, sầu riêng 30.000 đồng/trái được người bán để riêng một góc, hầu hết trái đều bị nứt nên được buộc lại bằng dây thun để giữ cho vỏ không bong ra. Những trái sầu riêng này trông "xấu", lép, ít múi, trọng lượng mỗi trái trên dưới 1 kg.
Sầu riêng 30.000 đồng/trái bán trên lề đường TPHCM |
Nhiều khách hàng ghé vào xem rồi bỏ đi vì thực tế sầu riêng 30.000 đồng/trái cũng không hề rẻ, mua về chỉ ăn được 1-2 múi, thậm chí phải bỏ vì sầu riêng nứt vỏ để lâu bên ngoài rất dễ hư hỏng, bám bụi đường... Trong khi sầu riêng nguyên vẹn, trái đầy đặn được người bán để riêng, bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Dù vậy, đây cũng là mức giá khá mềm so với vài tháng trước.
Anh Đỗ Văn Minh, chủ vựa sầu riêng ở quận 6, TPHCM, cho biết sở dĩ giá sầu riêng hiện nay giảm sâu là do các tỉnh khu vực Tây Nguyên vào mùa thu hoạch rộ sầu riêng, đáng kể nhất là tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất. Do đó, nguồn cung sầu riêng trên thị trường quá lớn, dẫn đến giá bán sụt giảm theo.
Hiện tại, giá bán sầu riêng loại 1 có giá khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg, loại 2 từ 45.000 – 42.000 đồng/kg, loại 3 từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Riêng hàng dạt chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, loại này đang được bán nhiều ở lề đường.
Mua sầu riêng giá rẻ nên kiểm tra kỹ |
Trong khi vài tháng trước, giá bán sầu riêng bán lẻ trên thị trường được đẩy lên tới 150.000 - 200.000 đồng/kg do nhiều nhà vườn các tỉnh miền Tây không muốn cho ra trái chính vụ mà chuyển sang nghịch vụ nên dẫn đến sản lượng bị giảm đi đáng kể.
Được biết diện tích trồng sầu riêng hiện nay khoảng 151.000 ha, riêng khu vực Tây Nguyên chiếm phân nửa với khoảng 75.500 ha (Đắk Lắk có 33.00 ha, tăng 10.000 ha so với với thời điểm năm 2022), Đông Nam Bộ 25.000 ha, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 42.000 ha.