Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM) cho biết: “Việt Nam còn ít ca bệnh nhưng phải hình dung xung quanh vẫn còn nhiều nguy cơ khi nới lỏng việc giãn cách xã hội, vì khi nới lỏng ra thì mức độ tiếp xúc sẽ ngày càng nhiều hơn, kéo theo nguy cơ càng lớn. Nới lỏng giẵn cách xã hội thì các biện pháp phòng thủ, phòng ngừa dịch bệnh đóng vai trò quyết định”.
Theo chuyên gia truyền nhiễm này, nguy cơ để dịch bệnh lây lan vẫn là tụ tập quá đông người và không kiểm soát được thành phần. Trong đó, phải kể đến môi trường bệnh viện là nơi người dân tứ xứ tập hợp.
Tiếp đó là các quán bar, karaoke tập trung nhiều người. Cuối cùng là các công ty thuê mướn nhân công làm việc. Những nơi này phải tăng cường kiểm soát chặt đầu vào và đầu ra, tiếp tục khai báo y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhìn nhận, nếu không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện. Như vậy vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ.
Thời gian vừa qua Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tiếp xúc nhằm hạn chế việc tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.
Tuy nhiên, TS Phu cho rằng, không phải 100% trong số hơn 96 triệu người dân nước ta đều thực hiện nghiêm điều này. Người dân vẫn đi lại và tụ tập đông, nhiều người không tuân thủ các quy định của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh. Vì thế nguy cơ bùng phát dịch là có thể vì trên thực tế nhiều người mang mầm bệnh mà không biết, họ gặp người khác thì vẫn lây bệnh.