Trong mấy thế kỷ qua, Trung Quốc chưa bao giờ mạnh như ngày hôm nay nhờ sự phát triển kinh tế thần kỳ trong 4 thập kỷ kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách thị trường tự do và áp dụng chính sách mở cửa.
Đến năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đến năm 2017 vươn lên hạng 75 thế giới về tiêu chí GDP trên đầu người, theo số liệu của Liên Hợp quốc.
Trong một số lĩnh vực như xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và internet, và doanh số bán xe hơi, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Trong thập kỷ qua, nước này trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Trong thời kỳ này, tài sản tăng lên nhanh chóng song hành với sự gia tăng hiện diện và tầm ảnh hưởng ở nước ngoài, cho phép Trung Quốc rót tiền cho các chương trình và dự án hạ tầng trên khắp thế giới đang phát triển, từ châu Á tới châu Phi và Mỹ Latin.
Không có gì nghi ngờ rằng Trung Quốc đang có tầm ảnh hưởng kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa phải nước phát triển nhưng cũng không phải nước đang phát triển. Họ đang là một người khổng lồ đang phát triển của thế giới.
Trung Quốc vươn lên đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực và trở thành một cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong 10 năm qua. Nhưng nước này vẫn chưa phải một cường quốc thực sự, ngay cả khi đang có tiềm năng trở thành như vậy. Để trở thành siêu cường thực sự, một quốc gia phải có tầm ảnh hưởng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học và công nghệ, quân sự và quyền lực mềm.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Trung Quốc chưa tạo được dấu ấn mạnh. Dù trỗi dậy nhanh chóng trong ngành viễn thông, năng lượng mới và trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn phải học nhiều từ phương Tây trong khoa học truyền thống, nghên cứu học thuật và giáo dục.
Đó là lý do Miao Yu, cựu bộ trưởng khoa học công nghệ Trung Quốc, xếp hạng nước này ở lớp thứ tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Theo ông Miao, lớp thứ nhất là Mỹ; thứ hai gồm Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp; thứ ba gồm Canada, Ý, Úc và Israel.
Quyền lực mềm
Quyền lực mềm cũng là một thứ Bắc Kinh đang cố gắng đạt được. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng theo nghĩa truyền thống có thể đạt được bằng cách đe dọa và cưỡng ép, còn quyền lực mềm là cách một quốc gia xây dựng hình ảnh quốc tế của mình để có thể được các nước khác tôn trọng và ủng hộ. Thực tế là Trung Quốc đang thiếu sự ủng hộ của nhiều quốc gia.
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy các nước châu Phi nhìn chung có cái nhìn tích cực về Trung Quốc. 4 quốc gia châu Phi được khảo sát năm ngoái dành tỷ lệ ủng hộ lên tới 62% cho Trung Quốc. Nhưng Mỹ và châu Âu nhìn nhận Trung Quốc với quan điểm tiêu cực. 8/10 nước châu Âu tin rằng Trung Quốc không bảo vệ quyền tự do của người dân. Ngay cả các nước Mỹ Latin như Brazil, Mexico và Argentina cũng có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Trung Quốc cũng bị xếp hạng rất thấp trong nhiều lĩnh vực khác như môi trường, toàn cầu hóa, tham nhũng, bình đẳng giới, phát triển con người, tuổi thọ, tự do kinh tế và phát triển bền vững.
Thách thức phía trước
Dù Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu lớn trong 40 thập kỷ qua, lãnh đạo nước này đang lo lắng hơn bao giờ hết về khả năng nắm giữ quyền lực và vị thế quốc tế. Những thách thức lớn về cả đối nội và đối ngoại vẫn chờ phía trước.
Nền kinh tế đã mất động lực khi tăng trưởng chậm dần đều. Tốc độ phát triển GDP của nước này đạt 14,23% trong năm 2007, đến năm ngoái còn 6,6%. Mức tăng trưởng 6,2% trong quý 2 năm nay là tỷ lệ thấp nhấp của một quý kể từ tháng 3/1992.
Vấn đề của kinh tế Trung Quốc không chỉ là tăng trưởng chậm lại mà còn là tương lai của mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước dẫn dắt. Dù luôn khẳng định là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đang phải chứng kiến nhiều mâu thuẫn xã hội và là một trong những nước có khoảng cách thu nhập lớn nhất thế giới.
Về chính trị, Trung Quốc bị đánh giá là đang chia rẽ với mức độ trầm trọng hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra trong một môi trường quốc tế ngày càng thù địch, càng bị khuấy động bởi cách Bắc Kinh thể hiện sức mạnh cứng của mình ở bên ngoài.
Biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong, tư tưởng độc lập gia tăng ở Đài Loan, cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ: từng vấn đề đều có nguy cơ làm chệch bánh xe phát triển của Trung Quốc.
Quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây, đặc biệt là Washington, đang xuống mức thấp nhất. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng sự cạnh tranh về kinh tế và chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Sau 70 năm, bức tranh mà chúng ta đang thấy hiện nay là Trung Quốc đang ở thời điểm vừa tốt nhất vừa tệ nhất, giới phân tích nhận định.
Dù thành công về kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua không thể phủ nhận, nhưng lịch sử và lý thuyết chính trị cho thấy nước này khó có thể bước tiếp bước cuối cùng để trở thành một nền kinh tế phát triển tiên tiến.
Cho đến nay, tất cả các nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không chỉ có nền kinh tế tự do mà còn là các nền dân chủ.