Sau Bách Khoa, những trường nào tới đây sẽ chuyển thành Đại học?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian tới, ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi mô hình, rất nhiều trường Đại học cũng đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ Trường Đại học thành Đại học.

Vừa qua, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân cho biết, sắp tới Trường đang có hướng phát triển trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Quá trình này phụ thuộc vào việc xây dựng, phát triển các trường thuộc hoặc trực thuộc (theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì phải có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH). Trường này vốn có 2 lĩnh vực có bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu, là kinh tế - quản lý và quản trị kinh doanh.

Sau Bách Khoa, những trường nào tới đây sẽ chuyển thành Đại học? ảnh 1

Hiện nay trường đã hình thành và thúc đẩy phát triển lĩnh vực thứ ba là đào tạo công nghệ trong quản lý. Khi đã đủ các điều kiện năng lực nội tại, để mỗi lĩnh vực này vươn lên thành những lĩnh vực đào tạo độc lập thì sẽ thành lập 3 trường, sau đó thì mới tính đến chuyện chuyển từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân thành ĐH Kinh tế quốc dân.

Trong khi đó, hiện đã có một số trường ĐH đã thành lập trường trực thuộc. Ví dụ tháng 12/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã ban hành Nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ-Du lịch trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Ngoại ngữ và khoa Du lịch.

Tháng 5/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) đã thông qua Đề án tái cấu trúc trường ĐH này thành ĐH đa ngành. Trong đó, giai đoạn 1 (2021 - 2025) hình thành ĐH UEH đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Trường hiện nay, với 3 trường thành viên. Ở giai đoạn 2 (2026 - 2030), ĐH UEH hình thành thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Trong đó, tháng 10/2021, Trường ĐH UEH chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Với việc ra mắt 3 trường này, Trường ĐH UEH đã bắt đầu mô hình trường trong trường ĐH và sau đó tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH.

Tháng 6/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 34 phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Nghị quyết này giao hiệu trưởng xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình các đơn vị chức năng có thẩm quyền quyết định.

Tháng 7/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục có Nghị quyết 36 phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ, gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Nghị quyết giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình hội đồng trường quyết định.

Bên cạnh đó, tuy chưa triển khai nhưng Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và phát triển, Trường Khoa học.

Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng muốn lên ĐH

Ngày 7/12, trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS. Trần Diệp Tuấn- Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng uỷ Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, định hướng phát triển của nhà trường trong tương lai sẽ chuyển từ trường ĐH lên ĐH.

Sau Bách Khoa, những trường nào tới đây sẽ chuyển thành Đại học? ảnh 2

Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng rục rịch muốn lên ĐH

“Việc này được áp dụng theo luật và trường đang từng bước thực hiện”, ông Tuấn nói.

Được biết, liên quan đến việc này, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng từng có đề án gửi Bộ Y tế về việc phát triển thành một ĐH Sức khỏe với các trường thành viên. Nguyễn Dũng

Nói về việc các trường đại học chuyển thành đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường đại học/học viện là cơ sở giáo dục với trình độ đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc vài lĩnh vực. Còn, đại học là cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực và gồm nhiều trường đại học/khoa thành viên. Việc nâng cấp từ trường đại học thành đại học sẽ giúp các đơn vị tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường thành viên. Cùng với đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành viên. Việc thay đổi cơ cấu này mang tính cơ học, nhằm giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn. Từ đó, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo. Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc.
MỚI - NÓNG