Sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản người dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhớ lại vụ sạt lở gần đây, chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, lúc 5 rưỡi sáng, chị dậy để chuẩn bị cho các con đi học. Đang loay hoay thì nghe tiếng “răng rắc”, chỉ trong vài phút, đồ đạc trong nhà chị sập hết xuống sông.

Diễn biến ngày càng phức tạp

“Khi đó mọi người trong nhà đã thức dậy nên kịp thoát ra ngoài. Tôi không dám tưởng tượng nếu xảy ra vào đêm khuya khi mọi người đang ngủ thì ra sao nữa” - chị Hằng kể. Cùng cảnh ngộ và là hàng xóm của chị Hằng, ông Lâm Hồng Toán buồn bã: “Đợt sạt lở vừa rồi làm toàn bộ phần nhà phía sau của gia đình sụp xuống sông. Tội hai đứa cháu nhỏ, bao nhiêu quần áo, sữa… rớt xuống sông hết trơn”.

Sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản người dân ảnh 1

Khu vực cảnh báo sạt lở bờ sông Cổ Chiên được UBND tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp. ẢNH: CK

Hậu Giang là một trong những địa phương “nóng” về sạt lở trong những năm gần đây. Ông Trần Thanh Toàn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang cho biết, diễn biến sạt lở đất từ đầu năm đến nay hết sức phức tạp, số vụ, chiều dài, thiệt hại... đều tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước.

“Các địa phương phải có bản đồ nguy cơ sạt lở. Việc quản lý sông rạch phải chặt chẽ hơn. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các vùng ven biển phải chọn lựa ưu tiên giải pháp trồng rừng ngập mặn, trồng cây giữ đất trước khi tìm kiếm các giải pháp công trình. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho vụ 3, mở nước đón lũ nhận phù sa thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu, tăng nguy cơ sạt lở" - ông Tuấn đề xuất.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân chính là do lưu tốc dòng chảy trên các tuyến kênh đều tăng làm cho nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng cao. Cùng với đó, hoạt động của phương tiện thủy qua lại, nhất là tàu có tải trọng lớn tạo ra những đợt sóng lớn vỗ vào bờ. Mặt khác, do thói quen xây dựng nhà, công trình ven bờ sông làm gia tăng tải trọng lên mép bờ, cản trở dòng chảy. Ngoài ra, do nhu cầu nạo vét, nâng cấp đê bao, việc lấy đất gần bờ gia cố đê ngăn lũ cũng làm giảm khối đất phản áp, từ đó làm giảm khả năng chống trượt của mái bờ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ cũng có những “điểm nóng” về sạt lở. Riêng sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) có đến 5km sạt lở phức tạp, hàng trăm hộ dân đang sinh sống hai bên bờ. Từ năm 2020 đến nay, xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nhiều điểm sụt lún có nguy cơ sạt lở rất cao, không đảm bảo an toàn giao thông. Chính quyền địa phương đã phối hợp vận động, hỗ trợ các hộ dân di dời công trình, nhà ở đến nơi an toàn, tổ chức cắm biển cảnh báo...

Giải pháp nào căn cơ?

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, theo diễn tiến chung, sạt lở ở ĐBSCL sẽ còn diễn ra thêm hàng chục năm nữa. Nguyên nhân chính là do lòng sông thiếu phù sa và cát. Tình trạng này do tác động của thủy điện và do ảnh hưởng từ việc khai thác cát dọc sông Mekong. “Thiếu phù sa làm cho nước “đói”. Nước “đói” thì phải “ăn” vào bờ, “ăn” vào đáy sông. Thiếu cát làm cho lòng sông bị sâu hơn, đồng nghĩa bờ sông cao hơn, nặng hơn và mái dốc dẫn đến dễ trượt xuống. Theo các nghiên cứu, hiện nay sông Tiền, sông Hậu sâu hơn 3-4m so với 20-30 năm trước. Khi đáy của hai sông chính này sâu sẽ rút đáy của sông nhánh ra. Các con sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó. Sạt lở vì thế lan tỏa khắp nơi” - ông Thiện phân tích.

Ông Thiện cho rằng, xây kè chống sạt lở là biện pháp bất đắc dĩ phải làm ở những nơi xung yếu cần bảo vệ, nhưng không nên làm kè tràn lan. “Tình trạng kè bị sụp đổ cũng đã xảy ra nhiều nơi. Nếu cứ làm kè thì không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở. Nên sử dụng tiền làm kè để thực hiện tái định cư và thiết lập, hỗ trợ sinh kế cho người dân” - ông Thiện đề xuất, đồng thời gợi ý, cơ quan chức năng có thể siêu âm lòng sông hằng tháng để đưa ra các cảnh báo sớm và di dời người dân khi phát hiện nguy cơ sạt lở.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, Chính phủ có ban hành Quyết định 957 ngày 6/7/2020 về phê duyệt “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”, trong đó có nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sạt lở, chủ yếu là giảm thiểu và hạn chế thiệt hại vì nguyên nhân lớn nhất là nguồn cát và các chất trầm tích suy giảm từ thượng nguồn không thể kiểm soát và khống chế…

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.