Sạp hàng kỳ lạ

Chàng trai 8X chỉ kinh doanh những sản phẩm thân thiện môi trường
Chàng trai 8X chỉ kinh doanh những sản phẩm thân thiện môi trường
TP - Đặng Ân, chủ Sạp hàng chàng Sen là người bán hàng kỳ lạ nhất mà tôi biết. Anh không khuyến khích khách mua hàng của mình. Chỉ bán một vài loại hàng mà anh cho rằng nó có ích cho môi trường sống và sẵn sàng bù lỗ cho những mặt hàng đó.  

Kinh doanh ống hút

Câu chuyện của những cái ống hút vốn chẳng thể thu hút sự chú ý của nhiều người. Nó quá nhỏ bé, có vẻ không cần thiết, cũng ít nằm trong danh mục cảnh báo của những tổ chức bảo vệ môi trường. So với túi nilon, vỏ hộp, đồ take away... thì ống hút cùng với lõi tăm ngoáy tai chỉ là chuyện hạt vừng.

Nhưng Sạp hàng chàng Sen lại gây chú ý với hầu hết cộng đồng Sống Xanh ở Hà Nội chỉ vì câu chuyện ống hút. Đối với những người theo đuổi lối Sống Xanh, lạm dụng đồ nhựa tương đương với... tội ác. Trong nhà họ, có thể thấy vô vàn túi vải, khăn buộc, đồ tái chế, cốc sứ, inox... chứ ít thấy bóng dáng của chai, túi, ống hút, thậm chí vải pha nilon. Những người này có một đặc điểm chung để nhận ra nhau là đi ra ngoài, trong túi luôn có một cốc (chai) để đựng nước, mua cà phê... và không dùng ống hút nếu ngồi quán.

Dần dà, lối sống này được nhiều người nổi tiếng hưởng ứng, nó đại biểu cho một thái độ ứng xử văn minh với môi trường và là một con đường để chạm đến hạnh phúc khi người ta thích ứng với cách sống đủ. Vấn đề nảy ra khi các tín đồ thời trang khăng khăng, không có ống hút, không còn quý cô!

Sạp hàng kỳ lạ ảnh 1 Ông chủ Đặng Ân với chiếc áo xanh huyền thoại

Trong các câu chuyện anh hay nói với khách hàng, “không khuyến khích mua ống hút, mà hy vọng các bạn bỏ được thói quen uống nước phải có ống hút”. 

Đầu tiên, Ân bán ống hút tre. Người mua lẻ khá đông, rất nhiều người ủng hộ loại ống hút tự nhiên không gánh nặng môi trường này. Nhưng rất nhanh tre không được chọn để cung cấp cho nhà hàng nữa do điều kiện khí hậu, vệ sinh và vòng đời của nó. Cùng lúc, Ân tìm được ống hút bằng inox và thủy tinh. Trong thực tế, ngoài những người quan tâm đến sống xanh (tỷ lệ rất nhỏ so với cả cộng đồng tiêu dùng), ống hút có thể dùng nhiều lần không thu hút số đông khách hàng. Lý do vì quá cách rách, phức tạp, phải rửa, “tốn não để nhớ mang theo” (comment của một khách hàng). Gần đây nhất, Sạp chàng Sen có cả ống hút Cỏ Bàng. Đây là loại ống hút làm từ cây Cỏ Bàng mọc tự nhiên ở Long An có kích cỡ tương đương ống hút nhựa. Những ống hút này được làm hoàn toàn thủ công và có giá trung bình 600 đồng/cái. Ống Cỏ Bàng có thể dùng từ 7-12 ngày nếu bảo quản tốt, so với hiện nay giá Cỏ Bàng khá phù hợp với những nơi xây dựng theo phong cách riêng, nhưng do số lượng có hạn và để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng nguyên liệu nên không thể cung cấp nhiều hơn cho nhu cầu hiện tại.

Hiện nay, Sạp chàng Sen vẫn duy trì việc bán túc tắc và Ân vốn cũng không đặt nhiều hy vọng “giảm thiểu rác” với khách hàng cá nhân. Trong các câu chuyện anh hay nói với khách hàng, “không khuyến khích mua ống hút, mà hy vọng các bạn bỏ được thói quen uống nước phải có ống hút”. 

Mục đích tiêu thụ ống hút của Ân nhằm đến những quán cà phê, quán ăn lớn, vì ở đây “lượng thải ống hút hàng ngày có thể tính đến trăm hoặc nghìn, bao nhiêu khách lẻ gộp lại cho bằng”. Đầu tiên Ân mang ống hút inox đi tặng để người ta dùng thử. Mất vài tiếng đến vài ngày thuyết phục chủ quán sử dụng ống hút nhiều lần để giảm rác thải nhựa. Có người cân nhắc kinh tế, có người nhìn Ân như “thằng hâm”, có người từ chối thẳng. Suốt ba tháng không tìm được khách hàng mới, Ân kể: “Nản kinh khủng, nhưng biết là mình không thể bỏ được”. Cho đến khi một quán, ba quán, năm quán đồng ý dùng ống hút Cỏ Bàng, inox... thay cho ống hút nhựa, Ân biết là tiếng vọng mình đưa ra không phải mọi người không nghe thấy, chỉ là cần thêm chút thời gian.

Bán hàng kèm thông tin bảo vệ môi trường

Riêng việc cứ loay hoay tìm các sản phẩm có chất liệu thân thiện và cực đoan với mọi hành vi gây hại môi trường đã khiến Ân trở nên “dị” trong mắt nhiều người. Không ít bạn bè nhận xét: anh này có mỗi cái áo xanh, đi đâu cũng diện! Chỉ những người theo đuổi lối sống “không gánh nặng cho môi trường” mới biết. Bảy cái áo trong một năm là thường, một chuyến công tác ba tháng chỉ có bốn bộ quần áo trong vali cũng là thường, mỗi ngày một gia đình bốn người thải ra 0,3kg rác (mà toàn rác hữu cơ) càng là chuyện không hiếm lạ. Họ, những “dị nhân” trong mắt nhiều người dù còn trẻ nhưng sống cần kiệm như người già. Càng kỳ hơn, trong số họ, thu nhập 3.000USD/tháng không ít, nhưng họ dùng phần lớn số tiền đó vào việc đi du lịch, làm các dự án cộng đồng, chỉ một phần rất nhỏ trong số đó dành cho tiêu dùng và nhu yếu phẩm. 

Sạp hàng kỳ lạ ảnh 2 Chủ Sạp hàng chàng Sen trong một diễn đàn sống Xanh

Ân xuất thân là một đầu bếp chuyên nghiệp, từng làm việc ở vị trí thu nhập cao tại Vinpeal. Sau này, chuyển qua ăn chay, Ân cũng bỏ nghề. Rảnh rang, anh làm ruốc nấm bán cho bạn bè, người quen. Riêng chuyện ruốc nấm của Ân cũng có thể kể thành chương hồi. Ruốc đựng trong túi giấy và chủ sạp không chủ trương bán ra ngoại tỉnh bởi như vậy sẽ phải hút chân không và bỏ vào túi nilon để đảm bảo chất lượng.

Khách ở Hà Nội mua nhiều, phải tự chuẩn bị túi to để đựng. Điều kỳ lạ là fan của ruốc nấm Chàng Sen rất đông, lên tới gần 3.000 người trên fanpage. Giai đoạn nào Ân có việc hoặc lơ là làm ruốc là bị giục, bị “đòi” cháy điện thoại. Thu nhập thường thường từ việc bán ruốc nấm đủ cho Ân bù lỗ vào ống hút dùng nhiều lần trong chiến dịch mà anh tự đặt cho mình: vận động giới trẻ ngưng dùng ống hút nhựa!

Tất cả đồ bán ở cửa hàng kỳ lạ của Ân đều được lựa chọn dựa trên tiêu chí: ít nhất nó phải giải quyết được một vấn đề hiện tại hay chí ít cũng giảm vấn đề rác thải hiện tại. Cửa hàng bởi vậy không có nhiều lựa chọn, quanh đi quanh lại mới chỉ có: ống hút inox, Cỏ Bàng, thủy tinh (mà bán giá lẻ lại cao vót), bàn chải tre, kem đánh răng cà tím, túi gội đầu thảo dược, bột giặt tự nhiên, đồ hộp bã mía thay thế các loại hộp xốp…

Thu nhập không thể nói là cao nhưng Ân luôn khẳng định: vừa đủ sống! Cái sự “vừa đủ” này còn bao gồm rất nhiều buổi chiếu phim, tọa đàm, thảo luận về các vấn đề môi trường, cách hạn chế rác thải, cách để không bị cuốn theo lối sống tiêu dùng v.v... Ông chủ (thuộc thế hệ 8X) hàng ngày vẫn tự tay làm ruốc nấm, đi ship hàng và có thể ngồi cả buổi để thuyết phục một người tại sao cần thay thế hộp cơm xốp bằng hộp cơm bã mía. 

Ân bảo, điều khiến anh mừng nhất là dần dần, dù là ít nhưng cũng đã có nhiều 9X không coi anh là hâm, trái lại, họ ủng hộ các sản phẩm của anh một cách có ý thức.

Ân xuất thân là một đầu bếp chuyên nghiệp, từng làm việc ở vị trí thu nhập cao tại Vinpeal. Sau này, chuyển qua ăn chay, Ân cũng bỏ nghề. Rảnh rang, anh làm ruốc nấm bán cho bạn bè, người quen.

MỚI - NÓNG