Sắp cưỡng chế xử lý hàng nghìn công-ten-nơ rác ngoại nằm cảng

0:00 / 0:00
0:00
Công-ten-nơ rác phế liệu tại cảng Cát Lái - Ảnh tư liệu của cơ quan Hải quan
Công-ten-nơ rác phế liệu tại cảng Cát Lái - Ảnh tư liệu của cơ quan Hải quan
TP - Theo Cục Hải quan TPHCM, hiện còn 1.670 công-ten-nơ hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở các cảng tại TPHCM.Đơn vị này đang làm thủ tục để buộc doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu tái xuất hoặc tiêu hủy hàng trăm công-ten-nơ phế liệu ngoại không đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc buộc tái xuất hay tiêu hủy gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Buộc tái xuất

Trao đổi với PV Tin Phong, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục giám định, có 432 công-ten-nơ đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác lập sở hữu nhà nước để bán đấu giá. 1.382 công-ten-nơ khác của hơn 30 hãng tàu vận chuyển nhập khẩu đang nằm ở cảng Cát Lái từ năm 2017 đến nay không đủ điều kiện nhập khẩu, vì chứa hàng cấm nhập (rác thải) vẫn chưa xử lý được.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác, từ tháng 4 năm 2018, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phải cung cấp cho các hãng tàu chứng chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn về môi trường của nước xuất hàng thì các hãng tàu mới được phép vận chuyển về Việt Nam. Nếu vi phạm, cả hãng tàu và đơn vị nhập khẩu không những bị từ chối nhận hàng mà còn bị xử lý nặng. Hải quan Việt Nam cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu phải ký quỹ mới cho nhập hàng về. Nhờ vậy, số lượng hàng rác nhập về thời gian qua đã giảm mạnh.

GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định chặt chẽ về việc cấm nhập khẩu mặt hàng phế liệu này. Do đó, một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đã xuất sang nước thứ ba là Việt Nam để tiêu thụ. Do đó, cần thay đổi và bổ sung các quy định cho chặt chẽ.

Hàng nghìn công-ten-nơ chứa phế liệu chủ yếu là nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt, lẫn tạp chất; vỏ xe cũ, rác thải... có mùi hôi thối, tồn đọng nhưng chủ hàng không đến nhận, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng lớn. Để giải quyết vấn đề này, ngày 19/5/2020, Tổng Cục Hải quan có văn bản (số 3230) yêu cầu cục hải quan ở địa phương thông báo cho các hãng tàu buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, Cục Hải quan TPHCM đã giám định và xác định có hơn 2.000 công-ten-nơ hàng hóa tại tất cả các cảng tại TPHCM không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc phải tái xuất, nhưng chỉ có một vài hãng tàu tái xuất 50 công-ten-nơ.

Do các hãng tàu không tái xuất phế liệu như yêu cầu nên ngày 22/1/2021, Tổng Cục Hải quan yêu cầu lập biên bản vi phạm hành chính đối với hãng tàu về hành vi đưa hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam và buộc các hãng tàu tái xuất hoặc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp các hãng tàu không tái xuất được thì rác ngoại này phải tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy,hãng tàu phải chịu. Đơn vị được tiêu hủy phải đảm bảo có đủ điều kiện theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay, đã có 6 trong tổng số trên 30 hãng tàu đồng ý tái xuất hàng phế liệu tồn đọng. Mới đây nhất, hãng tàu Cosco và ST Line tái xuất 381 công-ten-nơ (Cosco tái xuất 340 công-ten-nơ, ST Line tái xuất 41 công-ten-nơ). Hiện tại, có hai hãng tàu khác cũng đang tiến hành các thủ tục để tái xuất 13 công-ten-nơ phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiều hãng tàu cho rằng, họ cũng chỉ là nạn nhân, đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại từ hành vi nhập khẩu của các chủ hàng. Theo ông Nghiệp, hầu hết các nước xuất khẩu đều không muốn nhận lại những lô rác thải, trong khi chi phí vận chuyển khá cao nên các hãng tàu thường chọn phương án tiêu hủy và sẽ chịu phí tiêu hủy.

Truy trách nhiệm doanh nghiệp nhập khẩu

Hiện tại, Cục Hải quan TPHCM tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc tái xuất các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng cấm nhập vào Việt Nam để giải tỏa mặt bằng và để trả vỏ công-ten-nơ cho đơn vị khác khai thác. Theo kế hoạch, việc tái xuất các công-ten-nơ rác sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2021.

Cơ quan Hải quan đã lập biên bản vi phạm và gửi thư mời các hãng tàu ngày 12/4 đến nhận quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tái xuất trong vòng 30 ngày. Nếu quá thời gian 30 ngày mà các hãng tàu này không chịu tái xuất hàng phế liệu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì Cục Hải quan TPHCM sẽ lập biên bản, thống kê các mặt hàng, hãng tàu để báo cáo và đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ GT-VT áp dụng các biện pháp chế tài mạnh hơn. “Nếu các hãng tàu nhất quyết không tái xuất hoặc tiêu hủy, chúng tôi sẽ kiến nghị đình chỉ hoạt động của hãng tàu đó trên lãnh thổ Việt Nam”, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho biết.

Ông Thắng cũng khẳng định, các hãng tàu và nhà nhập khẩu phải chịu chi phí đối với các lô hàng buộc tái xuất hoặc tiêu hủy. Dù doanh nghiệp nhập khẩu có từ chối nhận hàng và trốn tránh trách nhiệm thì ngành Hải quan cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để truy trách nhiệm đến cùng.

MỚI - NÓNG