Sắp chuyển giao Ngân hàng Xây dựng về Vietcombank

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 8 năm tái cơ cấu, Ngân hàng Xây dựng (CB) sẽ được chuyển giao về Vietcombank. Thời gian chuyển giao dự kiến sớm nhất cuối năm nay theo mô hình ngân hàng mẹ - công ty con.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/6, đại diện CB cho biết, theo lộ trình, hết tháng 6, CB sẽ hoàn tất định giá tài sản để sớm nhất trong năm nay chuyển giao cho Vietcombank.

Trước đó, ngày 5/3/2015, CB chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ từ Vietcombank, CB đã có sự “đổi mới toàn diện” về mọi mặt như: mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu.

Sắp chuyển giao Ngân hàng Xây dựng về Vietcombank ảnh 1

Ngân hàng Xây dựng sắp thành ngân hàng con của Vietcombank (ảnh: CB).

Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu. Cụ thể, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỷ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỷ đồng; đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ.

Liên quan tới giao dịch chuyển giao bắt buộc này, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - cũng cho biết, ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém và đang tích cực chuẩn bị cho quá trình này.

Trong kế hoạch trình cổ đông, lãnh đạo Vietcombank đưa ra một loạt ưu đãi ngân hàng có thể nhận được khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Trong đó, nhà băng này sẽ được ưu tiên cho vay vượt 15-25% vốn tự có; cho vay trung, dài hạn bằng ngoại tệ với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong thời gian ngân hàng yếu kém chưa hết lỗ lũy kế…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cho phép Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; được dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ để trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của ngân hàng mục tiêu)…

Đầu tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CB và ba ngân hàng khác là Oceanbank, GPbank và Ngân hàng Đông Á.

MỚI - NÓNG